Menu

Vert de Bien Hoa

Các bài viết về gốm Biên Hòa ít đề cập ngọn ngành về dòng gốm Hoa và gốm Pháp có thể nói là tạo hình hài cho dòng gốm Biên Hòa, tôi chép ngắn gọn vài ý chính xoay quanh chuyện này. Gốm Biên Hòa được vinh danh lần đầu tiên ở Marseille năm 1922 (L’Exposition coloniale de Marseille) sau đó liên tục được đoạt danh hiệu ở nhiều cuộc triển lãm khác trên thế giới. Hai đặc điểm quan trọng nhất của gốm Biên Hòa: – Kỹ thuật khắc chìm tô men. – Màu men đồng trổ bông.

Từ Thạch Loan đến Biên Hoà

Thạch Loan trấn nằm trong tỉnh Phật Sơn. Nghề gốm sơ khai ở đây có từ hàng ngàn năm, thịnh vượng vào đời Đường đời Tống. Thợ gốm xứ này học kỹ thuật khắc chìm tô men của đời Tống, ấy là khắc hoa văn rồi lấy cây cọ chấm men tô lên, khác biệt với lối dùng cọ chấm màu vẽ hoa văn xong cái bình rồi nhúng nguyên cái bình vào men (như ở gốm Lái Thiêu sau này). Độc đáo bậc nhất của Thạch Loan phải kể đến các thể loại hình tượng người tượng vật được thể hiện vô cùng sống động, đường nét tinh xảo, màu men rực rỡ.

Đến TK17 cùng với dòng người Hoa nhà Minh xin tỵ nạn, thợ gốm Thạch Loan đến Cù lao Phố, rồi đến TK18 do chạy Tây Sơn mà dạt về Chợ Lớn lập làng gốm Cây Mai, họ đem theo tinh hoa cổ truyền của mình về Cây Mai. Đến đầu TK20 do hết đất nên thợ gốm Cây Mai rời Chợ Lớn, đem nghề gốm về lập làng trở lại ở vùng ven sông Đồng Nai.

Cũng vào đầu TK20 trong khi những món đồ gốm dân gian của vùng Đồng Nai vẫn dùng những màu men truyền thống của Cây Mai thì những nghệ nhân người Pháp ở trường mỹ nghệ Biên Hòa chế ra loại men mới áp dụng cho các sản phẩm của trường. Men ấy được gọi là men đồng trổ bông, tiếng tây là Vert de Bien Hoa. Từ đó cái tên gốm Biên Hòa có phần lớn ám chỉ dòng gốm của trường mỹ nghệ Biên Hòa.

Màu áo mới từ Limoges

Xứ Limoges ở Tây Nam nước Pháp khởi đầu bằng nghề làm men dùng để chế tác các món đồ mỹ thuật tinh xảo bằng đồng chạm chìm theo lối champlevé của thời Gothic TK12.

The martyrdom of St Thomas Becket, detail from a reliquary casket, Limoges enamel.

Đến TK18 người ta phát hiện ra mỏ kaolin ở gần Limoges khi ấy các lò gốm mới mọc lên học theo cách làm hàng sứ của Trung Hoa, sứ trắng rất cứng nung ở nhiệt độ cao mà phải có kaolin mới làm được. Kết hợp với sự tinh xảo về men, Limoges trở thành dòng gốm sứ thượng hạng của châu Âu.

Trong các màu men của Limoges, tôi đặc biệt lưu ý lại men giả đá lapis có màu xanh dương thẫm và có các đốm vàng li ti, nhìn cái là thấy ngờ ngợ với các đốm đồng trổ bông trong men Vert de Bien Hoa.

Ông đồng bà gốm

Đầu TK20 hai vợ chồng Robert và Mariette Balick lãnh đạo trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Ông Balick thì học ở trường Mỹ thuật Trang trí Paris phụ trách khoa đúc đồng, bà Balick thì học ở trường gốm Limoges nên phụ trách khoa gốm.

Không thấy sách nào nói cả, nhưng nhà cháu nghĩ rằng vì sẵn mạt đồng của khoa đúc đồng của chồng, và lại nhớ cái màu men giả đá lapis nên bà Balick cố tìm tòi để rồi cuối cùng bà thành công tạo ra loại men mới bằng cách cho mạt đồng vào men truyền thống và nung cho mạt đồng trổ bông. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Index