Menu

“Kiến trúc Vauban”

Các tài liệu hướng dẫn du lịch cũng như các bài báo du lịch khi viết về kinh thành Huế hay thành bát quái ở Gia Định hầu hết chỉ ghi được vắn tắt là các thành cổ ấy được xây theo “kiến trúc Vauban” mà không cắt nghĩa thêm được là bao cho rõ. Các bạn tourguide theo đó mà thuyết minh, nhưng giả như khách hỏi dấn thêm một bước về những đặc điểm của kiến trúc Vauban thì tourguide khó tránh khỏi lúng túng. Bài viết dưới đây làm rõ khái niệm “kiến trúc Vauban” qua đó sẽ giúp các bạn tourguide nắm rõ nguồn gốc và các yếu tố đặc trưng của lối kiến trúc pháo đài này.

Có hay không “kiến trúc Vauban”?

Sebastien Vauban (1633 – 1707) là vị kỹ sư quân đội xuất chúng bậc nhất của nước Pháp thời vua Louis XIV, các pháo đài phòng thủ do Vauban thiết kế xây dựng được coi là bất khả xâm phạm, tiếng tăm của ông lan khắp châu Âu, lối xây pháo đài của ông được trở thành mô hình kinh điển cho các thành trì phòng thủ ở châu Âu rồi sau đó theo chân các đoàn quân viễn chinh du nhập đến các nước thuộc địa.

Cổng thành Diên Khánh ở gần Nha Trang. ↑

Ở Việt nam năm 1790 chúa Nguyễn Ánh đã cho xây thành Gia Định theo kiểu Vauban và gọi là Qui Thành và sau đó trong suốt thời gian trị vì với cương vị là Gia Long Hoàng Đế ngài đã cho xây dựng hàng chục tòa quân thành Vauban rải khắp cả nước, đến nay hầu hết chỉ còn phế tích nằm dưới lớp phố xá nhà cửa đô thị. Các tài liệu của ta ghi chép lại khi đề cập đến lối xây cất của các quân thành ấy cất thường gọi đó là “kiến trúc Vauban” và gọi tắt các thành kiểu ấy là “thành Vauban“.

Tuy nhiên có hai sự thực như sau:

  • Các kỹ sư Ý Đại Lợi thời Phục Hưng mới là những người phát minh ra các đặc điểm cốt lõi tạo nên cái gọi là “kiến trúc Vauban“, nói cho chính xác đó là các pháo đài hình ngôi sao – “star fort” hay “trace italienne”. Tiếp theo kiến trúc ấy được nhiều kỹ sư khác tìm tòi cải tiến và Vauban là người thừa hưởng, ứng dụng một cách tinh xảo nhất.
  • Vauban không phải là người duy nhất ứng dụng thành quả của các kỹ sư Ý Đại Lợi, cùng thời với ông còn có nhiều người khác trong đó tên tuổi và thành tích không thua kém ông trong việc xây dựng pháo đài “star fort” là vị kỹ sư trong quân đội Hà Lan có tên Menno van Coehoorn (1641-1704).

Theo như trên thì Vauban chỉ là người ứng dụng chứ không tạo ra một kiểu thức kiến trúc nào, hay nói cách khác trên thực tế không có cái gọi là “kiến trúc Vauban“, ngay cả UNESCO cũng chỉ vinh danh các “công trình phòng thủ của Vauban” tức “Fortifications of Vauban” chứ không có khái niệm “Vauban architecture”. Tuy vậy do sự phổ biến của cụm từ “kiến trúc Vauban” nên trong bài này tôi vẫn tạm dùng như thế nhưng sẽ luôn để trong ngoặc kép.

Sau đây ta sẽ lần theo dòng thời gian, bắt đầu từ nguồn gốc của và sự tiến hóa của pháo đài hình sao “star fort” để tiếp theo đó tìm hiểu những đặc điểm mà Vauban đã ứng dụng cho các pháo đài của mình.

Nguồn gốc và sự tiến hóa của “kiến trúc Vauban”

Sự ra đời của súng thần công

Thời Trung cổ trước TK15 các tòa lâu đài và thành trì được bảo vệ bằng những bức tường cao kiên cố, các góc có các tháp phòng thủ hình trụ tròn, dưới chân có hào sâu, trên mặt là hành lang có các khe hở để bắn cung tên, ném đá, đổ chì nóng xuống kẻ thù đang bắc thang leo lên tường thành.

Bức tranh thế kỷ 15 có tên “Vigiles de Charles VII” mô tả cuộc vây hãm thành Orleáns 1428-1429, đây là một trong những hình ảnh sớm nhất về súng thần công hay đại bác được sử dụng để công thành. Có thể thấy rõ thành Orleáns xây kiểu Trung Cổ với tường thành cao và các tháp canh hình trụ. ↑

Sự ra đời của súng thần công (hay đại bác) đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của các cuộc chiến. Súng thần công đúc bằng khối đồng rất nặng vững chắc, viên đạn là những cục sắt tròn khổng lồ nặng từ 2-20kg, thuốc súng nhồi vào phía sau khi châm ngòi cho nổ có thể ném viên sắt khổng lồ ấy bay qua khoảng cách lên đến 1 dặm tức chừng 1 cây số rưỡi. Khi đặt súng thần công ở cự ly gần tường thành và ngắm bắn thẳng ở tầm ngang ngang thì viên đạn bay ra gần như là theo một đường thẳng đập trực diện vào mặt tường (direct fire), cứ viên này nối viên khác cho đến khi tường thành sụp đổ. Các bức tường thành Trung cổ cao to phơi mình trước họng súng thần công đều nhanh chóng bị hạ. Chưa kể đến bộ binh cũng được trang bị súng hỏa mai tức là loại “thần công cầm tay” có khả năng tác chiến vượt trội so với cung tên.

Michelangelo đặt nền móng cho “kiến trúc Vauban”

Cuối TK15 đầu TK16 các vị vua nước Pháp liên tiếp tấn công và chiếm đóng các lãnh thổ của nước Ý (Italian Wars 1494-1559). Các kiến trúc sư kiệt xuất của Ý đã bắt đầu tìm tòi giải pháp về một quân thành có khả năng chống lại hỏa lực đại bác và bộ binh tấn công bằng súng hỏa mai.

Bản thảo thiết kế của pháo đài Porta del Prato ở Florence của Michelangelo với cấu trúc cánh sao. ↑

Năm 1529 Michelangelo đưa ra những phác thảo đầu tiên về cấu trúc pháo đài hình sao để thay thế cho các tòa pháo đài Trung cổ, qua đó đặt viên đá đầu tiên cho những thay đổi mang tính lịch sử trong kiến trúc quân sự thế giới. Pháo đài hình sao này ban đầu được gọi là “trace italienne” có các đặc điểm như sau:

1. Tường thành xây thấp

Tường thành xây thấp để tránh hỏa lực đại bác, để bù lại độ cao của mặt tường thì ngay trước tường là hào phòng vệ, chân tường nằm chìm dưới hào phòng vệ. Tường đắp bằng đất rất dày để hấp thụ sức công phá đạn đại bác, mặt tường xây gạch chứ không xây đá để hạn chế những mảnh đá văng gây sát thương. ↓

2. Hào sâu và rộng

Tường xây thấp khiến kẻ thù vượt tường dễ dàng hơn, vì vậy so với thời Trung cổ hào phòng vệ của trace italienne được xây sâu hơn bù lại chiều cao của tường, xây rộng hơn để hỏa lực phòng vệ trên mặt thành có thêm thời gian để tiêu diệt kẻ thù vượt hào.

2. Đê đất đắp cao

Mép ngoài của hào phòng vệ quanh thành được đắp cao thành bờ đê đất (glacis) để chặn đường đạn thần công bắn thẳng che chắn cho tường thành. Ngay phía sau đê đất này có một hành lang phòng thủ.

4. Cánh sao nhọn thay cho tháp canh hình trụ

Các tháp canh hình trụ trên tường thành thời Trung Cổ tạo ra những điểm mù (dead zone) tức là các góc khuất có thể sử dụng làm nơi ẩn nấp của binh lính tấn công khi áp sát. Với pháo đài hình sao, các tháp canh hình trụ được thay thế bằng các cánh sao phòng vệ (bastion) hình tam giác hoặc ngũ giác được tính toán góc cạnh loại bỏ hoàn toàn các góc khuất. Thần công và hỏa mai từ các cánh sao này có thể yểm trợ chéo lẫn nhau và bảo vệ cho các đoạn tường thành nằm giữa chúng.

Các cánh sao hay “bastion” này chính là yếu tố cốt lõi của thành hình sao vì vậy thành hình sao “star fort” còn thường xuyên được gọi là “bastion fort”.

Blaise de Pagan hoàn thiện “kiến trúc Vauban”

Tiếp theo, các kiến trúc sư quân sự của Pháp nghiên cứu mô hình pháo đài hình sao và ứng dụng rộng rãi cho các công trình phòng thủ của họ, trong đó công lao bậc nhất là Blaise de Pagan (1604 – 1665) người đã bổ sung hầu hết các cấu trúc quan trọng hoàn thiện cho pháo đài hình sao. Cuốn Les Fortifications của ông xuất bản năm 1645 là tài liệu quan trọng cho các kỹ sư quân sự đương thời gồm cả Vauban và Van Coehoorn nghiên cứu ứng dụng. Trong những sự cải tiến của Blaise de Pagan hai đặc điểm quan trọng nhất như sau:

1. Thiết kế hệ thống đồn lũy độc lập (outwork)

Đặc thù thấy rõ nhất là hệ thống đồn lũy độc lập (sau đây gọi là outwork) nằm bên ngoài tường thành. Các đồn lũy này tạo thành hệ thống phòng thủ nhiều lớp, giúp tiêu hao lực lượng của bên tấn công, kéo dài tối đa thời gian bảo vệ thành, và dù có mất thành thì cũng làm cho bên tấn công kiệt quệ. Mặt khác hệ thống outwork này cũng đóng vai trò che chắn cho tường thành tương tự như đê đất glacis.↓

Hệ thống outwork của Pagan đề xuất rất đa đạng, mỗi cấu trúc outwork đều có một chức năng riêng như chia cắt phân tán đội hình tấn công, hoặc ngược lại gôm đội hình tấn công vào bẫy hỏa lực để tiêu diệt v.v. Ở một số công trình Vauban còn cho xây cả lô cốt nằm chìm trong bề dày của tường thành, hoặc cả hệ thống đường hầm phía dưới đê đất để theo dõi và bảo vệ đê. Dưới đây tôi liệt kê một số cấu trúc outwork cơ bản nhất thường thấy như sau:

  • Ravelin: đảo phòng vệ độc lập hình tam giác thường nằm trực diện trước cổng thành, lưu ý là ravelin đã xuất hiện ở các pháo đài nước Ý (trace italienne) từ trước Vauban.
  • Hornwork: hai đảo tam giác như trên nối lại trông giống như cặp sừng.
  • Crownwork: ba đảo tam giác như trên nối lại trông giống như cái vương miện.
  • Tenaille: bức lũy hình chữ V quay hai cánh ra để gôm địch.
  • Counterguard: bức lũy hình chữ V quay mũi ra để chia cắt địch.

2. Tính toán các đường đạn xuyên táo (enfilade fire)

Pagan đề xuất sử dụng hình học sắp xếp tỉ mỉ các cấu trúc outwork để tạo ra một ma trận những góc bắn hiệu quả từ các vị trí trên mặt thành và từ các bastion, đặc biệt là những góc bắn “xuyên táo”.

Ví dụ như khi kẻ thù áp sát chân tường sẽ vô tình xếp thành hàng ngang, và hỏa lực trên mặt bastion được đặt ngay vị trí có thể bắn ngang hông xuyên táo đội hình. Tương tự như vậy, hệ thống outwork tạo ra những những hành lang hẹp khiến kẻ thù phải di chuyển hàng dọc làm mồi cho những phát đạn xuyên táo từ các vị trí định sẵn trên các cánh sao bastion. Đặc điểm này nếu xem sơ đồ bố trí outwork và bastion sẽ dễ thấy hơn là nhìn bằng mắt thường ở công trình thật.

Vauban biến việc xây pháo đài thành một nghệ thuật

Dù cơ bản Vauban thừa kế những nghiên cứu của các kiến trúc sư đi trước đặc biệt là Blaise de Pagan, trong việc xây thành ông vẫn có những sáng kiến của riêng mình. Vauban quan niệm thành trì nào cuối cùng cũng sẽ bị hạ, thế nên nó có nhiệm vụ phải đứng vững lâu nhất có thể, phải làm cho đối phương trả giá đắt nhất đến mức kiệt quệ trước khi chiếm được thành. Vì vậy ông sử dụng nền tảng kiến thức quân sự và kinh nghiệm chiến trường của bản thân để nghiên cứu địa hình địa thế cụ thể cho từng công trình, ứng dụng các nguyên lý của Blaise de Pagan một cách biến hóa sáng tạo nhất, tinh xảo nhất, tối ưu nhất. Thông thường thì ông sẽ tạo ra một hệ thống outwork dày đặc có khả năng làm nản lòng đối phương.

Khi nghiên cứu từng tỉ mỉ một pháo đài Vauban, người ta nhận thấy cách ông xử lý từng chi tiết đã biến toàn bộ công việc thiết kế và xây pháo đài thành một nghệ thuật. Pháo đài do Vauban thiết kế nổi danh là bất khả xâm phạm đối với các đạo quân vây thành.

Dấu tích “kiến trúc Vauban” trong quân thành trào Nguyễn

Các tòa thành của vua Gia Long ở Việt Nam đều ứng dụng nguyên lý “star fort” và được gọi nôm na là xây kiểu Vauban tuy nhiên đến nay hầu hết chỉ còn lại hầu như đều chỉ còn dấu tích nền móng, may mắn thì còn lại cổng thành, cột cờ và vài đoạn tường. Dấu tích “outwork” to và rõ nhất còn lại đến nay trong tất cả các quân thành khắp cả nước là đồn Mang Cá (hay Trấn Bình Đài) nằm ở góc đông Bắc kinh thành Huế, đây là một “crownwork” lớn còn giữ nguyên hình hài, có nhiệm vụ tăng cường phòng thủ cho góc thành ngay điểm xung yếu trên sông Hương nơi mọi tàu thuyền từ cửa Thuận An theo vào kinh thành đều phải đi qua.

Vị trí đồn Mang Cá trên bình đồ kinh thành Huế. ↑
Cấu trúc bastion và crownwork ở khu vực đồn Mang Cá. ↑
Cận cảnh một cánh sao (bastion). ↑

Ngoài ra vài cấu trúc outwork như đảo phòng vệ ravelin được gọi là “dương mã thành” hay lũy độc lập counterguard được gọi là “trường thành” thì có thể thấy trên bản vẽ thành Quy ở Gia Định (1790-1835). Ở ngoài đời các cấu trúc này đều bị san phẳng và nằm bên dưới các đường phố đô thị.

Sơ đồ thành bát quái Gia Định 1790 – 1835. ↑

Tôi chưa có điều kiện đi thăm thú hết các di tích thành trào Nguyễn nhưng cho đến nay với những gì quan sát thì chưa hề thấy dấu tích nào của các đê đất chống đại bác (glacis) cũng chưa nhìn thấy bản vẽ hay tài liệu nào đề cập đến các đê đất này. Nhìn hình ảnh flycam bây giờ thì chung quanh di tích thành cổ đều phẳng lỳ và bao phủ bởi nhà dân. Nếu thiếu các đê đất ấy thì rõ ràng quân triều đình trong thành không có khả năng chống chọi trước hỏa lực đại bác của quân Pháp.

Chiến tướng Vauban

Mặc dù thường được nhắc đến như một chuyên gia kiệt xuất về “xây thành” nhưng ai tìm hiểu về Vauban mới biết rằng sở dĩ ông có thể đưa ra những giải pháp xây pháo đài vô cùng tinh tế chính là vì ông đồng thời cũng là một một chiến tướng bậc thầy về “vây thành”.

Siege parallel

Trong suốt binh nghiệp của mình, ông đã trực tiếp cầm quân và tham gia chỉ huy 40 trận vây thành thắng lợi. Ông sáng tạo ra chiến thuật “siege parallel” tức là siết dần vòng vây bằng các vòng hào song song, về sau trở thành một chiến thuật kinh điển trong nghệ thuật quân sự.

Trận vây thành Maastrict năm 1673 là điển hình cho chiến thuật “siege parallel”. Trước tiên Vauban xây một vòng đê đất vây quanh nằm ngoài tầm đại bác của thành Maastrict, vòng đê này vừa ngăn người trong thành trốn thoát vừa bảo vệ mặt lưng quân đội của ông trường hợp thành có quân cứu viện. Tiếp theo ông cho đào vòng hào ngoài cùng cách thành 600m rồi đào những đường công sự zigzag để đưa bộ binh và đại bác tiếng tiến lên. Công sự zigzag này sẽ bảo vệ binh lính khỏi những làn đạn bắn thẳng từ trong thành. Khi cách thành 250m ông cho đào vòng hào thứ hai, rồi lại tiếp tục đào các công sự zigzag đưa bộ binh và đại bác tiến tới. Khi đến sát đê đất glacis thì đại bác trên mặt thành trở nên vô hiệu vì không thể chúc xuống mà bắn, ông cho triển khai đại bác trên đê đất và bắn đổ tường thành.

Điện Biên Phủ 1954

Đường hào zigzag từ dưới chân đồi A1 (cứ điểm Eliane 2). ↑

Chiến thuật “siege parallel” này được quân đội Việt Minh áp dụng trong cuộc vây hãm 56 ngày đêm ở Điện Biên Phủ. Một trong những dấu tích ngày nay còn thấy được là đoạn hào zigzag ngắn nằm ở phía đông đồi A1 tức cứ điểm Elian 2 của Pháp, đoạn hào này là một trong những đoạn còn sót lại, dẫn từ vòng hào dưới chân đồi tiến lên vòng hào phía trên. Các bạn guide nếu không để ý thì rất dễ bỏ qua. Chiến thuật này Việt Minh áp dụng ở tất cả các cứ điểm trong lòng chảo Điện Biên Phủ.

Kết

Sau khi mất năm 1707 ông được an táng ở quê nhà nhưng mộ ông bị phá trong cuộc Cách mạng Pháp (1789 – 1799). Giai thoại kể rằng năm 1808 sau khi người ta tìm thấy quả tim của ông, hoàng đế Napoleon Bonarpart đã ra lệnh xây mộ ông trong thánh đường của điện Les Invalids và đem quả tim của ông về táng nơi đó. Đó là một vinh dự lớn vì về sau, mộ của chính Napoleon cũng được đặt trong điện Invalids ở vị trí trung tâm.

Mộ của Vauban và mộ của Napoleon ở trung tâm của điện Invalides, Paris. ↑
Điện Invalides, ảnh do tác giả chụp trong chuyến viếng thăm trước năm 2003. ↑

Với một sự nghiệp đồ sộ bao gồm việc xây dựng gia cố hơn 300 công trình phòng thủ và hơn 40 trận vây chiếm pháo đài thành công, Vauban vừa là một kỹ sư quân sự vừa là một chiến tướng công trạng bậc nhất trong lịch sử quân sự nước Pháp. Trong danh sách di sản thế giới của UNESCO có đến 12 pháo đài Vauban dọc biên giới phía đông, tây và bắc nước Pháp.

Một mặt chúng ta hoàn toàn có thể tôn vinh vai trò của Vauban trong lịch sử quân sự thế giới, nhưng mặt khác chúng ta cần nhìn nhận rằng “thành hình sao” có trước Vauban và “thành hình sao” mới là cái tên chính xác thể hiện đúng bản chất của lối cấu trúc pháo đài thường được gọi chệch là “kiến trúc Vauban”.

ĐT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Index