Menu

“Khu đĩ” ở Hội An?

Các trang viết ca ngợi các ngôi nhà cổ Hội An có phần mái che kiểu “tứ hải” của Nhật Bản, nhưng tìm tòi trong kiến trúc cổ truyền của Nhật Bản thì tôi thì không thấy có mái nào gọi là mái “tứ hải” chỉ có kiểu mái phổ biến irimoya (入母屋) vốn cũng chính là mái “yết sơn đỉnh” (歇山顶) do người Bách Tế đem từ trung Hoa qua Nhật Bản từ xa xưa. Trong tiếng Anh loại mái này gọi là hip-and-gable roof.

Nhà mái “yết sơn đỉnh” của Trung Hoa.

Phố Nhật Bản xưa kia (tức Trần Phú nay) có lẽ cũng đã từng có những ngôi nhà Nhật Bản (shoin style) nhưng những dấu tích ấy không còn nữa. Từ khi các thương nhân Nhật Bản bắt buộc phải hồi hương vào giữa TK17 trong giai đoạn bế quan tỏa cảng Sakoku của Mạc phủ Tokugawa, phố Nhật Bản đã nhanh chóng được người Minh Hương tiếp quản đã dần dần được thay thế hoàn toàn bằng các kiến trúc của người Trung Hoa. Những gì chúng ta thấy ở các ngôi nhà cổ Hội An từ kết cấu đến trang trí hầu hết là từ truyền thống của các thuyền nhân Minh Hương mà ta cũng có thể thấy ở các phố cổ khác ở Đông Nam Á, nơi họ di cư đến.

Chùa Cầu và nhà cổ Phùng Hưng trên Google Maps.

Trong kiểu mái “yết sơn thượng” ấy, cái hình tam giác ở đầu hồi mái lớn trong tiếng Trung là “sơn hoa” (山花) rất mơ màng. Hai cái “sơn hoa ấy” ấy có khi thì bít kín có khi để hở nhưng cũng có khi nửa kín nửa hở và thường được trang trí chạm lộng đẹp mắt. Có điều chính vì có lúc kín lúc hở mà chim chóc rúc vào làm tổ rồi đẻ trứng trong đó, ông bà ta mới gọi cái góc ấy là chỗ “cu đẻ” lâu dần lại bị hình ảnh cái tam giác lộn ngược nó “chi phối” nên dần dần gọi trại ra thành “khu đĩ” từ lúc nào không biết.

“Sơn hoa” đình Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Các chuyên gia Nhật bản đã từng sang khảo sát kỹ lưỡng ngôi chùa Cầu và theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ ghi chép lại (**) thì họ không tìm thấy một dấu tích nào của kiến trúc Nhật Bản còn lại ở đó cả, họ kết luận đó là kiến trúc nhà Nguyễn vốn kết quả của các cuộc trùng tu sau này, đương nhiên là vẫn chịu ảnh hưởng của những yếu tố kiến trúc Trung Hoa của người Minh Hương.

Chùa Cầu trên bưu ảnh thời thuộc Pháp.
Kết cấu vì “vỏ cua” chùa Cầu.

Thậm chí ngay cả trong bản lý lịch di tích của Ban quản lý phổ cổ cũng không hề nhắc đếu mái “tứ hải” hay nêu một chi tiết nào của Nhật Bản cả. Có chăng là chỉ riêng họa sĩ Nguyễn Thượng Hỉ nghi ngờ một chi tiết rất nhỏ là cái chốt neo cây trính có thể là của nơi khác chứ không phải của miền Trung, nhưng họa sĩ cũng không khảo ra được nó là của Nhật Bản, Trung Hoa hay của Bắc bộ nước ta.

Cái mái nhà ấy đơn giản là mái “khu đĩ” theo cách gọi của ông cha ta vậy mà bao lâu nay các cơ quan quản lý cứ ngậm tăm để cho bao nhiêu lớp tourguide cứ tin theo mà vô tình làm kẻ nói dóc hết ráo. Về góc độ sản phẩm du lịch, những điều không có mà nói thành có như thế để tăng thêm sức hấp dẫn cho sản phẩm như vậy thì thật là bậy bạ. Tôi nhân đây rất muốn đính chính.

Trong các tấm hình minh họa kèm theo mình cũng chú thích một ít từ vựng (**) về kết cấu để các bạn HDV tiếng Anh nếu thấy có ích thì dùng. Những từ này chỉ toàn là tên gọi thôi chứ cũng không chuyên môn sâu xa gì, cũng khá phổ thông và hữu dụng.

ĐT


Chú thích:

(*) Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ là người dành mấy chục năm nghiên cứu về kiến trúc cổ của Chămpa và Việt Nam, đây là link bài viết liên quan: https://baoquangnam.vn/…/ghi-chep-chuyen-tu-bo-chua-cau…

(**) Từ vựng ghi lại:

  • Mái 4 mảnh có khu đĩ: hip-and-gable roof.
  • Khu đĩ: gable, tức là đầu hồi, tường đầu hồi là gable wall.
  • Vì hoặc vài: truss, miền Trung gọi là vài. Lan man xíu, “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp” ấy là lối chơi đảo chữ của ông bà, thực ra cầu Trường Tiền có sáu nhịp, mỗi nhịp có hai vì (tức hai vài) bằng khung thép tạo nên hai bên thành cầu. Lối đảo chữ này giống như “con ông cháu cha vậy”.
  • Trính hoặc trến: tie-beam, trính và rường cả hai đều là dầm, nhưng trính xuyên qua cột, còn rường thì gác lên đầu cột.
  • Xuyên hoặc xà: giống như trính vậy, nhưng vuông góc với trính, và xuyên qua nhiều cột để giằng lại.
  • Xà cò hay xà gồ, đòn tay: purlin, là những thanh dầm chính đỡ mái gác ngang vì, từ vì này qua vì kia.
  • Rui: rafter, nằm trên xà gồ, vuông góc với xà gồ, nhỏ hơn xà gồ, dùng để đỡ mè.
  • Mè: batten, nằm trên rui, vuông góc với rui, nhỏ hơn rui, dùng để móc các viên ngói.
  • Đấu củng: dougong hoặc toukung, cái này mình đã có một tút riêng.
  • Trái lựu: pomegranate. “Lựu khai bách tử” tức lựu bóc ra thấy trăm hạt, chữ tử là hạt và cũng là con, tức nhà con đàn cháu đống.
  • Trái phật thủ: finger lemon. “Phật thủ” tiếng Hoa nghe na ná “phúc thọ”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *