Menu

Kbach Khmer

Nghệ thuật điêu khắc trang trí trên các công trình kiến trúc cổ của người Khmer thật đáng ngưỡng mộ, và hơn vậy, vô cùng thú vị khi ta bắt đầu hiểu về cách cấu thành các hoa văn và phân biệt được phong cách hoa văn của họ.

Cấu tạo hoa văn Kback Khmer

Hoa văn cổ truyền của người Khmer (kback) cơ bản là xuất phát từ những hình cánh sen (chhouk), lá bồ đề (sloekpothi), đuôi ngỗng (kantouy kngan), hình thoi (chackachan), hình con ốc (hien), hình sừng (neak). Ngoài ra còn có những motif trang trí nhỏ như trứng cá (saout trei), răng cá (thmenho trei), răng trâu (thmenho krabei), nhị hoa (daem).

Trên một mảng tường lớn, người nghệ nhân sẽ phác thảo bố cục để chia mảng tường ấy thành một tổ hợp những hình cơ bản, nếu đây là mảng tường lớn họ lại tiếp tục chia các hình cơ bản ấy thành những tổ hợp hình cơ bản nhỏ hơn. Tiếp theo, trong từng hình cơ bản, nghệ nhân sẽ tỉa các đường nét chi tiết để tạo thành những mảng hoa văn. Cứ như thế từng hình từng hình, từng mảng từng mảng cho đến khi hoa văn phủ khắp mặt tường tạo thành tác phẩm phù điêu.

Phân loại hoa văn Kback Khmer

Hoa văn tạo ra rất đa dạng nhưng nhìn chung có thể chia ra làm các kiểu sau:

Hoa văn Kbach Angkor

Chính xác đây là một kiểu cắt tỉa hoa văn được dùng hầu như trên mọit công trình thời Angkor bao gồm cả Angkor Wat và quần thể các đền tháp của Angkor Thum.

Đặc trưng của phong cách này là các nét cắt tỉa hình “dấu phẩy” cong cong có đầu tròn và chân nhỏ. Các dấu phẩy này có thể được cắt xuôi cắt ngược nhưng theo một bố cục đối xứng mạch lạc trên bề mặt của hình cơ bản kia.

Hoa văn Kbach Phni Tes

Hoa văn dựa trên hình dáng của cây dong riềng, từ lá, hoa, nụ, cành, bẹ của cây dong riềng đều được sử dụng để tạo ra những tổ hợp hoa văn bố cục theo hình cuộn hoặc hình xoắn ốc (vong hien). Trong trường hợp này, cây dong riềng của mỹ thuật Khmer có vai trò y như lá acanthus trong mỹ thuật Hy Lạp – La Mã cổ đại, hay như lá của cây hoa cúc trong mỹ thuật cổ truyền Việt Nam.

Hoa văn Kbach Phni Voa

Tương tự như hoa văn Phni Tes nhưng đường nét hoa lá của Phni Voa được cách điệu mạnh mẽ hơn, “cứng” hơn, gần với các đường nét hình học hơn so với phong cách uốn lượn tả thực tự nhiên của Phni Tes.

Hoa văn Kbach Phni Pleung

Giống như “đao lửa” trong mỹ thuật cổ truyền của Việt Nam, mô tả hình thù uốn lượn nhẹ của ngọn lửa với đỉnh nhọn.

Khảo sát thực tế Kbach Khmer

Chùa Prek Takong

1. Rồng (neak) gồm đầu rồng và chuỗi gai lưng và đuôi trên cùng.
2. Cuộn hoa lá cách điệu kiểu Phni Voa.
3. Dải hoa văn lá đề quay ngược, xen kẽ với quả treo (pendant) hình cây 3 lá (kangjang) treo ngược.

1. Cột trang trí bằng kbach Angkor.
2. Rồng (neak) gồm đầu rồng và chuỗi gai lưng và đuôi trên cùng.
3. Dải hoa văn lá đề quay ngược, xen kẽ với quả treo (pendant) hình cây 3 lá (kangjang) treo ngược.

1. Mảng lá đề đứng (sloekpothi), mặc dù cũng có thể nói là giống hình quả tim, nhưng trên thực tế giống lá đề hơn.
2. Tâm của mảng lá đề.
3. Hoa văn với các nét tỉa hình dấu phẩy.

1. Dải hoa văn gồm nhiều cánh sen (chhouk) nhìn mặt hông và lật ngược, mỗi cánh sen có phần tâm, và diềm là chuỗi các hình con ốc (hien).
2. Dải hoa văn gồm những bông hoa thị (dauk chan).

Làng thợ bạc Kampong Luong

1. Dải nhị hoa (daem) trang trí cổ bình.
2. Dải trang trí với các hình lá đề lật ngược xen kẽ với các hình hoa súng lật ngược (romyoul).

1. Hoa văn cuộn (vong hien) với lá ôm xoắn xuýt kiểu Phni Tes.
2. Băng trang trí với các hình trứng cá, đơn giản là hình tròn.

1. Dải hoa văn gồm các hình con ốc (hien).
2. Dải hoa văn gồm các hình hoa (kbach chauk).

Kết

Chuyến road trip này, mình ghé thăm lại làng chạm bạc Kampong Luong ở Oudong, nằm bên bờ phía tây dòng Tonle Sap cách Phnom Penh chừng hơn 40km về phía tây bắc. Ở đây các hoa văn truyền thống kback khmer vẫn được thể hiện trên các sản phẩm của làng.

Phía bên kia dòng Tonle Sap đối diện với làng thợ bạc là ngôi chùa Moni Sakor ở Prek Kdam, mang đầy màu sắc với những hoa văn kbach khmer được trang trí dày đặc. Tương tự như vậy với chùa Prek Takong cách Prek Kdam chừng 30 cây số xuôi dòng cũng như vô số những ngôi chùa khác trên đất của người Khmer.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Index