Menu

Art Nouveau với đường cong whiplash

Nay tình cờ phát hiện ra một chiếc ban công Art Nouveau ở góc đường mà mình đi qua đi lại ko biết bao năm, góc Đồng Khởi và Ngô Đức Kế. Thoạt nhìn thì nó cũng chỉ là ban công sắt thông thường, nhưng nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy các thanh thép uốn theo đường cong “whiplash” đặc trưng của Art Nouveau. Coi vậy mà ở Sài Gòn không dễ kiếm đâu.

Thực tế thì chả mấy ai rảnh mà để ý đến chi tiết nhỏ này, nhưng những bạn guide từng đến thăm các tòa nhà của Gaudi ở Barcelone mà vẫn lờ mờ về Art Nouveau hẳn là sẽ rất quan tâm.

Bối cảnh ra đời của Art Nouveau

Art Nouveau là một trào lưu mỹ thuật hồi cuối TK19 đầu TK20 tuy chỉ kéo dài vài thập kỷ nhưng dấu ấn đặc sắc của trào lưu này vẫn hiện diện trong mỹ thuật đương đại, kiến trúc, đồ họa, mỹ thuật công nghiệp v.v. Giống như người ta mặc quần ống túm chán rồi qua ống loe, sau lại chán lại quay lại với ống túm. Điểm lại thật nhanh các giai đoạn mỹ thuật dẫn đến Art Nouveau, sau khi châu Âu thoát ra khỏi các cuộc chiến triền miên thời Trung Cổ:
– Cả giai đoạn Trung cổ: mỹ thuật Cổ điển suy thoái.
– Giai đoạn Phục Hưng và Baroque: mỹ thuật Cổ điển lại lên ngôi.
– Giai đoạn Neoclassic: mỹ thuật Cổ điển thoái theo hướng đơn giản hóa, phẳng hóa các chi tiết.
– Giai đoạn Art Nouveau: mỹ thuật Cổ điển cũng thoái nhưng theo hướng phá cách. Không đơn giản hóa, vẫn cầu kỳ, nhưng có những phá cách đặc sắc.

Art Nouveau đưa công năng vào mỹ thuật

– Thời trước Art Nouveau người ta phân biệt “fine art” gồm hội họa và điêu khắc, là thứ nghệ thuật tạo hình hàn lâm được coi trọng nhất, chuyên tạo ra những gì đẹp đẽ để nhìn ngắm, nhưng không có công năng sử dụng trong đời sống.
– “decorative art” là nghệ thuật trang trí, được coi là thứ yếu, dùng trong các ngành thủ công truyền thống (craft) như gốm, kim hoàn, mộc, thủy tinh và cả ngành kiến trúc v.v. Sản phẩm của decorative art dù là các vật dụng có công năng sử dụng trong đời sống thường nhật của các giới nhưng vẫn chỉ được xếp hạng thứ yếu.

Các nghệ sĩ của Art Nouveau chủ trương ứng dụng decorative art một cách tinh tế và tỉ mỉ nhất vào mọi chi tiết trong mọi thiết kế đồ vật công năng, và như vậy họ đã xóa bỏ ranh giới giữa fine art và decorative art. Các nhà sưu tập giàu có trước kia chỉ quan tâm đến hội họa và điêu khắc, nay ngưỡng mộ cả những vật dụng hàng ngày được trang trí đến mức tinh xảo bởi những nghệ sĩ Art Nouveau bậc thầy.

Bản thân decorative art của ngày ấy bây giờ đã tiến hóa và trở thành một loại hình mỹ thuật chính thống có thên là “mỹ thuật ứng dụng” (applied arts) bao gồm một phạm vi rộng lớn gồm mỹ thuật công nghiệp, thiết kế kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang v.v.

Napoleon III pavilion.

Với những sự bứt phá thành công khỏi mỹ thuật cổ điển về đường nét, về vật liệu và về tư tưởng công năng, trào lưu Art Nouveau đã đặt những viên đá đầu tiên cho nền mỹ thuật hiện đại của thế giới để dần dần tiến hóa thành nền mỹ thuật đương đại mà chúng ta đang thừa hưởng ngày nay.

Đường cong whiplash của Art Nouveau

Art Nouveau có vài đặc trưng nhưng một đặc trưng lý thú dễ thấy nhất đó là đường cong whiplash mô phỏng quỹ đạo của ngọn roi da, nó có hình lượn sóng nhiều nhịp giống như hình sin nhưng không đều đặn và cũng không đối xứng như hình sin mà mỗi nhịp có biên độ nhỏ với độ cong khác nhau.

Whiplash tạo ra một hiệu ứng, chuyển động, phóng khoáng, mềm mại (casual) khác hẳn với đường cong chuẩn mực khuôn phép hoàn hảo của mỹ thuật thời kỳ cổ điển Hy-La, Phục Hưng, Baroque (formal), đặt cạnh nhau thì y như một gã trai mặc quần jean ống loe đứng cạnh một quý ông mặc bộ complê đuôi tôm vậy.

– Nhưng đường nét Art Nouveau được đưa vào kiến trúc và thực sự tạo thành trào lưu chính là nhờ các kiến trúc sư người Bỉ dẫn đầu là Victor Horta. Những công trình Art Nouveau đầu tiên được xây ở Brussels, sau đó nhanh chóng lan sang Pháp, các nước châu Âu khác, và Mỹ.

– Ở Barcelona, kiến trúc sư Antoni Gaudi tạo ra những kiệt tác Art Nouveau nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều kiến trúc sư thời ấy cũng như thời nay.

Art Nouveau ứng dụng vật liệu mới

Tiên phong ứng dụng những loại vật liệu mới thời bấy giờ vào trang trí và kiến trúc, đáng lưu ý nhất là sắt thép, kính màu, sứ tráng men màu.

– Gustave Eiffel, vị kỹ sư tiên phong dùng kết cấu thép xây dựng tháp Eiffel chọc trời ở Paris vào cuối TK19 mở đầu cho thời kỳ lên ngôi của kết cấu thép. Trong tháp Eiffel ông cũng tiên phong giải pháp “lộ kết cấu” dùng luôn khung xương thép để làm đẹp công trình, là một giải pháp sử dụng thường xuyên trong Art Nouveau.

– Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, Art Nouveau cầu kỳ tốn kém bị bức tử ở châu Âu, nhưng ở Mỹ Art Nouveau vẫn được các nhà thiết kế và các kiến trúc sư hàng đầu ứng dụng. Louis Comfort Tiffany và hãng của ông là tâm điểm của trào lưu Art Nouveau ở Mỹ, hãng Tiffany dùng kính màu và xương kim loại chế tạo ra những mỹ nghệ phẩm vô cùng tinh xảo, từ bát đĩa, lọ hoa gia dụng, đến cửa số kính màu v.v.

Đặc sắc nhất là các mẫu đèn bàn đèn trần kính màu của Tiffany có thể được coi là biểu tượng của trào lưu Art Nouveau tồn tại và được ưa chuộng cho đến ngày nay.

********************

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Index