Bài và ảnh: Thắng Đinh
Vài thế kỷ sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, vùng đồng bằng sông Hồng hình thành các làng gốm Thổ Hà, Phù Lãng, Chu Đậu, Bát Tràng. Tương truyền vị quan thời Lý là Lưu Phong Tú đi sứ Trung Hoa học được nghề gốm đem về truyền cho người làng Phù Lãng từ TK13 theo đó thì nghề gốm Phù Lãng còn có trước cả Bát Tràng.
Trong khi Chu Đậu và Bát Tràng chế tác dòng gốm men sứ tinh xảo phục vụ cho vua quan và xuất dương thì Thổ Hà và Phù Lãng miệt mài với dòng gốm sành bình dân làm ra những vật dụng mộc mạc phục vụ đời sống thường dân như ngói lợp, chum, vại, đôn, chậu, bình, lọ, tiểu (quách) v.v. Đến thời đại công nghiệp đồ gia dụng plastic giá rẻ được sản xuất hàng loạt khiến nghề gốm Thổ Hà chính thức thất truyền, còn nghề gốm Phù Lãng thì đi vào đường cùng.
May thay, trong thời điểm ngặt nghèo ấy nghề gốm Phù Lãng được cứu và hồi sinh nhờ lớp nghệ nhân trẻ theo học ngành mỹ thuật công nghiệp ở Hà Nội. Họ đã đưa phong cách mỹ thuật hiện đại vào kỹ thuật gốm truyền thống của Phù Lãng một cách rất sáng tạo, mở ra lối thoát cho làng nghề. Nhờ vậy họ cũng đã bảo tồn luôn được cả dòng gốm “men da lươn” đã thành danh của cha ông.
Những cải tiến của gốm Phù Lãng
Ngoài việc vẫn tiếp tục duy trì dòng gốm tròn truyền thống (chum vại đôn chậu bình lọ v.v.) từ khoảng năm 2000 đổ đi các nghệ nhân trẻ Phù Lãng đã thực hiện các sự cải tiến như sau:
1. Mở ra hướng sản phẩm mới là dòng gốm phẳng tức tranh gốm. Tuy nhiên tranh gốm vẫn neo lại với truyền thống bằng cách tiếp tục sử dụng các đề tài quen thuộc như ruộng đồng, làng mạc, lễ hội v.v.
2. Gốm tròn truyền thống (chum vại đôn chậu bình lọ v.v.) từ đa phần thuần túy công năng cũng chuyển dần sang gốm mỹ nghệ.
3. Về trang trí, sử dụng kỹ thuật chạm nổi và chạm bong tinh xảo, sử dụng nhiều màu men phong phú học từ Bát Tràng.
4. Ứng dụng thủ pháp cách điệu mạnh mẽ của Tây Âu để tạo ra phong cách lập thể và trừu tượng trong các hoạ tiết trang trí.
5. Ứng dụng phong cách wabi-sabi của mỹ thuật Nhật Bản tạo hình bình lọ biến dạng méo mó vốn rất thích hợp với chất liệu sành thô mộc của Phù Lãng.
Men da lươn Phù Lãng
Rất nhiều bài trên các báo mạng sao chép nguyên văn từ Wikipedia: “Gốm Phù Lãng có nét sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn.” Viết thế thì quá lơ mơ, chả lẽ cứ hễ thấy màu nâu nâu vàng vàng đen đen là “da lươn” hết hay sao.
Phải xác định rõ men da lươn là như sau:
– Trước hết nhìn tổng thể món đồ thấy màu men chính vàng óng đẹp mắt, đâu đó gần với màu vàng trên lườn của con lươn, không phải màu đen trên lưng con lươn cũng không phải màu vàng bệch như dưới bụng con lươn.
– Khi nhìn cận vào chi tiết sẽ thấy men không phủ đều trên bề mặt cốt gốm, có chỗ rạn men, có chỗ co men tạo thành giọt hoặc vệt ngắn loang lổ (vemiculated). Theo Bảo tàng Lịch sử VN: “Men da lươn Phù Lãng thuộc loại men tro được lấy từ những nguyên liệu tự nhiên khai thác tại địa phương. Bao gồm tro trấu, bùn (hoặc bột đất) và đá thối, đá son. Chính chất bột đá son này đã tạo được nên sắc thái đậm, nhạt hay lốm đốm của men da lươn Phù Lãng.”
Ngoài men da lươn, Phù Lãng còn dùng 3 màu men khác là nâu đỏ, nâu vàng (vàng đất), và nâu sậm và tất cả đều là men sành, tức là men sau khi nung cũng thủy tinh hóa một mức độ chứ không hoàn toàn như men sứ, sờ vào thấy nhẵn nhưng không bóng như men sứ. Như vậy tổng cộng Phù Lãng có 4 màu men chính dùng để phủ cốt gốm, các màu men khác dùng để trang trí sau này mới có là lấy của Bát Tràng.
* * *
Nếu muốn tự đi Phù Lãng thì ta bấm Google Maps đi đến chùa Phúc Long nằm chính giữa làng, tuy không phải là kiệt tác kiến trúc nhưng bên trong chùa ta có thể tìm thấy vài bức tranh gốm thú vị. Cách chùa vài bước chân là ngôi chợ nhỏ của làng họp vào sáng sớm, quanh đó các nhà gốm nằm dọc hai bên con đường chính đi dọc thôn. Từ đường chính giữa làng rẽ hướng đông đi chừng 250m ra bờ sông Cầu, một dãy lò gốm nằm dọc con đường nhỏ ven bờ sông ở đó có thể thấy người làng làm đủ các công đoạn từ làm đất cho đến đưa gốm vào lò nung.
Được ghi công đầu trong việc hồi sinh nghề gốm là nghệ nhân Vũ Hữu Nhung sinh năm 1975, theo học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ngành điêu khắc. Vũ Hữu Nhung đã từng đoạt một vài giải thưởng mỹ thuật, sau khi ra trường anh đã qua Bát Tràng làm việc một thời gian để nghiên cứu học tập, sau về Phù Lãng mở “Gốm Nhung” và thử nghiệm thành công phong cách mới mở đường cho một loạt các nhà làm gốm khác trong làng đi theo như Gốm Ngọc, Gốm Đức Thịnh, Gốm Đô v.v.
Ngay cả ở trong miền Nam này cũng thường xuyên thấy gốm Phù Lãng trong các quán cà phê sân vườn. Hy vọng nhiều làng gốm Việt khác như Hương Canh ở Vĩnh Phúc, Thanh Hà ở Hội An v.v. cũng tìm được lối đi riêng cho mình.
ĐT