Menu

Đấu củng

Lúc khó khăn này anh chị em làm du lịch mình tứ tán mỗi người một gánh lo, nhưng mong rằng bằng cách này hay cách khác, đang vị trí này hay vị trí khác, còn đeo nghiệp tour hay không thì vẫn sẽ nuôi giữ những gì đẹp đẽ của nghề tour.

Góp phần giữ lửa nghề mình viết bài dưới đây khảo về một khía cạnh của kiến trúc Trung Hoa, dành cho các bạn hướng dẫn viên trẻ, cả local guide và tourleader. Hy vọng các bạn trẻ vẫn tìm thấy được sự lôi cuốn trong công việc của một HDV và mong sớm đến ngày chúng ta lại rảo bước trên đường nghề.

**************

ĐẤU CỦNG

Khi đưa khách đi thăm thú đông tây, hễ nói đến những biểu tượng kiến trúc cổ xưa của thế giới thông thường khách và cả HDV đều nghĩ ngay đến những công trình kỳ vĩ như những kim tự tháp sững sững ở Ai Cập, đấu trường Coloseum hoành tráng của La Mã, hay tòa Taj Mahal của Ấn Độ v.v. Ngay cả ở Trung Hoa người ta cũng nghĩ đến Vạn Lý Trường Thành trước tiên chứ ít khi nào đưa Cố Cung của Minh triều ở Bắc Kinh lọt vào danh sách này. Đối với hầu hết du khách Việt Nam Cố Cung này dù rất rộng lớn nhưng chủ yếu mang giá trị lịch sử nhiều hơn do mối dây qua lại ngàn năm giữa Trung Hoa và nước Việt. Thế nhưng, Cố Cung Minh triều này chính là là quần thể kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới, nơi phô bày kỹ thuật xây cất bằng kết cấu gỗ vô song không một nền văn minh nào sánh kịp.

Để áng chừng xem kết cấu gỗ của người Trung Hoa đứng ở đâu so với kiến trúc thế giới, chúng ta có thể điểm qua vài nền kiến trúc cổ xưa và xem chúng có những thành tựu (đặc trưng) gì về kết cấu:

– Người Hy Lạp thời cổ điển xây đền đài của họ với kết cấu đặc trưng là trụ đỡ lanh tô (post-and-lintel) bằng đá. Trụ ở đây nói cho rõ là hệ cột đá mà người Hy Lạp định hình theo 3 dạng thức Doric, Ionic và Corinthian. Với kết cấu ấy họ xây nên những đền thờ đồ sộ mà ví dụ kinh điển nhất là tàn tích đền Parthenon ở Athen, người Hy Lạp đã dùng đá để tạo được một gian xuyên suốt kích thước 29.8m bề dài và 19.2m bề ngang.

– Người La Mã chế ra bê tông, dựa trên kỹ thuật cuốn vòm của người Etruscan để tạo ra vòm mái bán cầu (dome) khổng lồ. Ví dụ tiêu biểu nhất là ngôi đền Pantheon nằm trong trung tâm Rome xây vào thế kỷ 2 SCN, với đường kính 43.28m trải qua gần 2000 năm đến nay đây vẫn là vòm mái xây bằng bê tông đặc không cốt thép lớn nhất thế giới.

– Nền văn minh Byzantine của Đông La Mã với ngôi thánh đường Hagia Sophia ở Istanbul đã tạo ra giải pháp “pendentive” mang tính cách mạng trong kết cấu kiến trúc. Lần đầu tiên một mái vòm tròn khổng lồ được chống đỡ bằng các trụ (pier) thay vì bằng vòng tường dày cộp chạy quanh dưới mép vòm (rotunda), giải phóng các bức tường dưới vòm khỏi chức năng chịu lực, cho phép trổ cửa sổ nhiều và lớn lấy ánh sáng vào trong, tiền đề cho những khung cửa sổ kính màu rộng lớn của kết cấu Gothic sau này.

Hagia Sophia ở Istanbul đã tạo ra giải pháp “pendentive” mang tính cách mạng trong kết cấu kiến trúc.

– Thời kỳ Gothic vào khoảng từ TK8 – TK12 các công trình kết cấu Gothic thường được thuyết minh với đặc trưng là dùng vòm nhọn và dầm bay, nhưng phần kỳ vĩ nhất đó là hệ thống đỡ vòm mái có nan đỡ (ribbed vault) rất chắc khỏe, khả năng chịu lực cao, giúp giảm kích thước cho trụ cột, tạo ra đường nét thanh mảnh vươn cao, cho phép trổ tường ra thành những ô cửa kính màu khổng lồ. Công trình kỷ lục của hệ thống nan Gothic này là mái vòm cực lớn của nhà thờ chánh tòa Florence mặc dù nhà thờ này xây vào thời Phục Hưng TK16. Với đường kính lọt lòng 45.5m phủ bì 54.8m đến nay là mái vòm lớn nhất thế giới.

Với đường kính lọt lòng 45.5m phủ bì 54.8m đến nay là mái vòm lớn nhất thế giới.

Vậy còn kết cấu gỗ cổ truyền của Trung Hoa thì có gì gọi là tuyệt kỹ để sánh với các nền văn minh vừa kể trên? Thật khó mà tưởng tượng được rằng thứ đặc biệt nhất góp phần tạo nên vẻ đẹp của quần thể kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới lại là một cấu kiện mà chúng ta hoàn toàn có thể cầm trên tay, đó là bộ “đấu củng”!!!

Đấu củng (斗拱 dougong hoặc toukung) gồm có cái đấu (斗 dou) tức là cái đế vuông thót đáy để đỡ cái củng là cánh tay uốn cong lên (拱 gong) còn gọi là con sơn hay tạm gọi là công-xôn cũng được. Cái đấu có thể sử dụng riêng một mình như một đế đệm, trường hợp này rất phổ biến, ở Việt Nam sử dụng ở mọi nơi, nhưng khi đó nó không ra cái đặc trưng của cả bộ đấu củng.

Bộ đấu củng có thể sử dụng đơn giản nhất với một lớp ở mái thấp và khẩu độ vươn ra ngắn, nhưng có thể chồng lên nhau ngang dọc đến hàng chục lớp để nâng mái lên hoặc để từng bước từng bước đưa diềm mái và góc mái vươn ra xa.

Kỹ thuật xây nhà gỗ và bộ “đấu củng” của Trung Hoa được truyền bá và sử dụng khắp trong vùng văn minh Đường-Tống (TK7-TK13) rộng lớn, ta có thể thấy những bộ đấu củng đỡ những góc mái cong vươn xa tuyệt đẹp ở khắp Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc (mãi sau này là Đài Loan) song song với trào lưu Gothic ở Âu châu. Sau này người Minh triều vượt biển tị nạn cũng đem “đấu củng” theo đến những quốc gia mà họ định cư.

Bằng đấu củng, người Trung Hoa cũng có thể tạo ra những vòm giếng trên trần nhà gọi là “tảo tỉnh” (藻井 zǎo jǐng) dù không có kích thước lớn như các vòm cổ điển Âu châu nhưng phô bày cách sắp xếp đấu củng rất kỳ ảo và thường được trang trí vô cùng đẹp mắt. Các bạn có thể google thêm để ngắm nhìn các “tảo tỉnh” này.

Ở Việt Nam “đấu củng” vẫn có thể thấy từ bắc vào nam tuy nhiên hầu như chỉ thấy ở trên những kiến trúc của người Hoa như nhà Vương ở Hà Giang, các hội quán Hoa kiều và chùa Cầu ở Hội An, hay các ngôi chùa Tàu ở Nam Bộ.

Người Việt ít khi sử dụng đấu củng, nếu có thấy thì cũng chỉ là những chi tiết rải rác nhỏ lẻ trong các đình chùa. như ở tháp chuông chùa Keo, cổng chùa Kim Liên, hậu cung chùa Bối Khê. Đấu củng ít được sử dụng trong kiến trúc của người Việt là vì hai lý do chính:
– Thợ rành kết cấu dùng “đấu củng” không nhiều như ở Trung Hoa.
– Người Việt dùng một cấu kiện gọi là “bẩy” hay “bảy” để đỡ diềm mái chứ không dùng đấu củng. Bẩy ấy là cây đà lớn đâm từ trong nhà ra ngoài ngay dưới mái, đỡ diềm mái, thường được chạm khắc rất cầu kỳ. Nói thuật ngữ chuyên môn tí thì là “bẩy” gác từ “cột cái” ra “cột quân” rồi đua ra khỏi tường, hoặc gác từ “cột quân” ra “cột hiên” và đua ra khỏi cột hiên. Trong phạm vi bài này các bạn HDV có thể lướt qua các thuật ngữ này tuy nhiên “bẩy” thì các bạn cần hiểu rõ vì đó là một trong những nét khác biệt ở kết cấu gỗ của người Việt ta.

Đấu củng cùng với kết cấu khung gỗ của Trung Hoa có thể tạo ra những công trình qui mô to lớn đứng vững hàng nhiều thế kỷ, cộng thêm nghệ thuật trang trí tinh xảo các công trình ấy trở thành những tuyệt tác kiến trúc của nhân loại. Thế nên các bạn HDV có đi thăm đền chùa nhà cổ ở Việt Nam, hay đi các tour outbound đến Bắc Á hoặc những thành phố nào có Chinatown thì hãy lưu tâm, ngoài những tấm selfie bắt mắt làm kỷ niệm thì nhớ chụp lại cho mình những chi tiết thú vị này để làm hành trang nghề.

Viết tại Thủ Đức.

ĐT.

***Chút từ vựng cho các bạn HDV tiếng Anh:

– Kết cấu gỗ: timber-frame structure. Có nhiều kiểu kết cấu gỗ, nhưng kết cấu gỗ cổ truyền của Trung Hoa đề cập ở đây là kết cấu dùng cây gỗ làm khung.

– Thức cột Hy Lạp: Classical Orders, có 3 thức là Doric, Ionic và Corinthian, về sau người La Mã thêm vào 2 thức là Tuscan và Composite.

– Vòm kiểu Byzantine: Byzantine dome hoặc pendentive dome.

– Vòm nhọn Gothic: pointed arch, hay bị nhầm với mái nhọn.

– Dầm bay Gothic: flying buttress, dầm không nằm dưới mái mà bay ra ngoài mái như bên hông mái nhà thờ Đức bà Paris.

– Vòm mái có nan của Gothic: Gothic ribbed vault, nan như cái xương vậy, chống vào nhau và cũng nhọn ở trên theo kiểu Gothic.

– Cửa kính màu Gothic: stained glass windows.

– Vòm tảo tỉnh: Caisson.

– Đấu củng: dougong, toukung, diễn tả tiếng Anh có thể nói là corbelling brackets nhưng nên dùng tiếng Hoa.

– Bảy: eave bracket, tức là cái bracket để đỡ diềm mái.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *