Nhân ngày kỷ niệm cuộc chiến Điện Biên Phủ vừa qua vài ngày xin đăng vài dòng ghi chép với sự trân trọng dành cho những người đàn ông và cả phụ nữ của bên thất trận.
Chi viện 10 chiếc M24 cho lòng chảo Điện Biên
Ngoài chiến thuật phòng thủ “con nhím” nhiều lớp, cụm cứ điểm Điện Biên Phủ còn có 10 chiếc xe tăng M24 mà Pháp rất kỳ công mới đưa lên được. Đây là những chiếc xe tăng hạng nhẹ do Mỹ sản xuất cho Đệ nhị Thế chiến về sau viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến Đông Dương.
Dù bị dèm pha là vũ khí lỗi thời do quân đội Mỹ “thải ra”, nhưng với thực tế địa hình lòng chảo Điện Biên Phủ, M24 là một cỗ máy đầy ưu thế. M24 gọn nhẹ rất cơ động có thể vượt qua địa hình nhiều bãi lầy, đi qua được cầu dã chiến tải trọng thấp. Thêm vào đó M24 được trang bị hỏa lực rất mạnh là nòng pháo bắn đạn 75 ly.
Trong đợt tấn công thứ hai của Việt Minh (30/3 – 5/4/1954), đại đội tăng của Pháp với 10 chiếc M24 đã tham gia các trận phản công ác liệt giành giật từng đỉnh đồi trong cụm cứ điểm Dominique, Eliane, Huguette bảo vệ phân khu trung tâm. Đội hình M24 này đã góp phần gây thiệt hại rất lớn buộc Việt Minh phải bỏ lối tấn công biển người để chuyển sang chiến thuật đào hào áp sát (trench warfare) trong đợt tấn công thứ ba kéo dài cho đến hết chiến dịch. Đủ biết những chiếc tăng M24 này lợi hại thế nào.
Chiến dịch đưa xe tăng M24 lên Điện Biên Phủ của Pháp có tên là Rondelle 2 diễn ra từ trung tuần cho đến cuối tháng 12/1953. Tổng cộng 10 chiếc M24 được tháo rời ra thành 180 mảnh ở sân bay Gia Lâm (nhiều nguồn ghi sai là Cát Bi) chuyển lên và lắp ráp lại ở sân bay dã chiến trong lòng chảo Điện Biên. Để chuyển lên Điện Biên, người Pháp dùng máy bay C-47 nhưng vẫn phải mượn chiếc Bristol 170 Freighter của Air Vietnam (do quốc trưởng Bảo Đại thành lập 8/6/1951) tạm gỡ bỏ một số phụ tùng cho nhẹ bớt mới chở nổi vỏ của một chiếc tăng M24. Với mỗi chiếc xe M24 như thế cần 2 chuyến Bristol và 6 chuyến C-47 mới chuyển lên được tới nơi.
Tổ chức đại đội tăng M24 ở Điện Biên Phủ
10 chiếc tăng M24 nhanh chóng được đội lính thợ lắp ráp và đưa vào hoạt động, chúng đã từng tham chiến ở các mặt trận khác và được đặt tên theo những trận đánh lớn hay các tướng lĩnh lớn trong lịch sử quân đội Pháp. Khi lên Điện Biên một vài chiếc giữ nguyên tên cũ một vài chiếc được đổi tên mới. Đại đội tăng được thiết lập gồm một chiếc chỉ huy và ba trung đội.
Conti là chiếc tăng đầu đàn do Đại úy Yves Hervouët chỉ huy, còn lại:
– Trung đội của Thượng sĩ Carette có 3 xe: Douaumont, Mulhouse, Bazeille trấn giữ phân khu trung tâm nhưng xích về mạn bắc phía đường băng sân bay Điện Biên
– Trung đội của Trung sĩ Guntz có 3 xe: Smolensk, Posen, Ettlingen bảo vệ phân khu trung tâm ngay khu vực hầm De Castries.
– Trung đội của Thiếu úy Préaud có 3 xe: Auerstaedt, Ratisbonne, Neumach được điều xuống bảo vệ cụm cứ điểm Hồng Cúm cách trung tâm khoảng 3.5 km về phía Nam.
Điểm danh từng chiếc tăng M24 ở Điện Biên Phủ
Trong cuộc chiến, 5 chiếc M24 bị đạn pháo 105 ly và súng chống tăng của Việt Minh bắn hỏng. 5 chiếc M24 còn lại đã cùng sĩ quan chỉ huy và lính của đại đội tăng chiến đấu đến phút cuối, họ đã phá hủy 5 chiếc tăng còn lại trước khi bị bắt làm tù binh. Sau đây là chi tiết và cách nhận diện của từng chiếc.
Conti (Xe chỉ huy toàn đại đội)
Ngày 5/4/1954 cứ điểm Huguette 6 đang là một túi lửa, chỉ còn vài chục lính lê dương chống trả hỏa lực áp đảo của 4 tiểu đoàn Việt Minh (1.200 quân) thuộc Trung đoàn 141 và 165. Conti bị trúng mìn hỏng, chỉ huy là đại úy Hervouët bị thương nặng. Conti sau đó được dùng làm lô cốt trấn ở đầu phía nam đường băng sân bay cho đến ngày cuối cùng bị phá hỏng bởi tiểu đội lái của nó. Đại úy Hervouët sau cuộc chiến bị bắt làm tù binh, ông mất ngày 10/7/1954 khi vẫn là tù binh.
– Vị trí Conti ngày nay: Ngã ba Bế Văn Đàn đầu cầu Mường Thanh, xích về hướng Tây Bắc theo con đường nhỏ đi vào một đoạn 60m. Dấu hiện nhận diện rất rõ là một quả đạn pháo bị kẹt ở đầu nòng. Tọa độ: 21.386775, 103.010666.
Bazeille (Trung đội Carette)
Chiếc Bazeille của trung đội trưởng Carette là chiếc đầu tiên bị loại khỏi cuộc chiến. Bazeille bị DKZ bắn cháy trên đồi A1 (Éliane 2) ngày 31/3/1954. Bazeille bị hỏng hoàn toàn. Xa trưởng Carette bị thương nặng phải trao quyền chỉ huy trung đội cho trung sĩ Boussrez.
– Vị trí Bazeille ngày nay: vẫn ngay tại vị trí bị bắn cháy, trên đỉnh đồi A1. Tọa độ: 21.382922, 103.017628.
Douaumont (Trung đội Carette)
Ngày 29/4/1954 bị đạn pháo 105 ly bắn thủng đạn xuyên vào trong, 3 lính tử thương trong xe. Được dùng làm lô cốt ở cứ điểm Huguette 3 sát phía Tây phân khu trung tâm.
– Vị trí của Douaumont hiện nay nằm cách Conti 230m đường thẳng về phía tây, Douaumont được đưa lên bệ bê tông, có mái che bằng kính nằm cạnh đường đi Thanh Luông. Tọa độ: 21.387207, 103.008510.
Mulhouse (Trung đội Carette)
Bị bazooka bắn trúng tháp pháo trong cuộc phản công tái chiếm cứ điểm Eliane ngày 31/3/1954, xa trưởng Jacques-Pierre OSMONT bị thương. Mulhouse là chiến xa cuối cùng còn hoạt động của trung đội Carette, nó chiến đấu cho đến ngày 7/5/1954 đánh chặn đầu cầu Mường Thanh bảo vệ phân khu trung tâm và hầm De Castries cho đến khi lính Việt Minh tràn qua cầu. Xa trưởng Jacques-Pierre OSMONT đã cho hủy chiếc Mulhouse. Bị bắt làm tù binh, Osmont chết ngày 26/7/1954 vì kiệt sức trên đường dẫn giải từ Điện Biên về Thanh Hóa.
– Vị trí Mulhouse ngày nay: Mulhouse trên bản sơ đồ của of General Mengelle nằm ngang với cầu Mường Thanh, gần hầm De Castries, nay có vẻ được dời đi khá xa đến cạnh đường băng sân bay. Tọa độ: 21.391054, 103.007810.
Ettlingen (Trung đội Guntz)
Ettlingan 6 lần bị trúng đạn chống tăng 57mm trong trận phản kích tái chiếm cứ điểm Eliane ngày 31/3/1954. Bị bazooka bắn trúng ngày 15/4/1954, lính tử thương trong xe. Ettlingent tiếp tục chiến đấu cho đến ngày cuối cùng, bị pháo đại đoàn 351 bắn cháy và chiều ngày 7/5/1954.
Xa trưởng Guntz bị trúng mảnh đạn tử thương ngay trong tháp pháo ngày 15/3/1954 trong trận phản kích đồi Độc Lập. Thượng sĩ Ney thay thế Guntz chỉ huy Ettlingen cho đến khi bị thương vào đầu tháng 4/1954.
– Vị trí của Ettlingen hiện nay là ở ngay phía đông bên cạnh hầm chỉ huy của De Castries, được đưa lên bệ bê tông, có mái che bằng kính.
Posen (Trung đội Guntz)
Bị bazooka bắn trúng ngày 24/3/1954 khi đang yểm trợ giải tỏa tuyến đường đến Hồng Cúm. Tuy nhiên Posen tiếp tục chiến đấu cho đến ngày cuối cùng 7/5/1954.
– Vị trí của Posen hiện nay nằm trong Bảo tàng Đồi A1 trưng bày cạnh Auerstaedt và Ratisbonne. Đặc điểm nhận diện Posen là còn hai hàng bánh xích hai bên, còn mặt nạ phía trước, còn nòng pháo, trên tháp pháo vẫn còn cây trung liên Browning M1919.
Smolensk (Trung đội Guntz)
Hai lần bị trúng đạn chống tăng 57mm ngày 31/3/1954, về sau bị hỏng hộp số và được dùng làm lô cốt bảo vệ mặt đông của hầm De Castries. Sau chiến dịch, phía Việt Minh đã sửa lại chiếc Smolensk dùng nó làm chiến lợi phẩm cho tham gia cuộc diễu hành mừng chiến thắng ngày 13/5/1954 trên cánh đồng Mường Phăng.
– Vị trí của Smolensk hiện nay không được xác định, có thể tháp pháo của nó nằm trong Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc cũng có thể nó đã bị hỏng hoàn toàn và nằm tại một trường huấn luyện quân sự nào đó.
Auerstaedt (Trung đội Préaud)
Auerstaedt là chiếc xe của trung đội trưởng Henri Préaud cũng là chiếc tăng bị thương nhẹ nhất trong tất cả 10 chiếc M24. Auerstaedt chiến đấu cho đến ngày cuối cùng, và bị tiểu đội tăng phá hủy khi cứ điểm Hồng Cúm thất thủ.
– Vị trí của Auerstaedt hiện nay nằm trong Bảo tàng Đồi A1, trưng bày cạnh Ratisbonne và Posen. Đặc điểm nhận dạng của Auerstaedt là nắp mặt nạ phía trước mất, mất hai hàng bánh xích hai bên, tuy nhiên vẫn còn nòng pháo (khác với Ratisbonne), không có cây trung liên trên tháp pháo (khác với Posen).
Ratisbonne (Trung đội Préaud)
Bị trúng hai quả đạn pháo 105mm trong khi bảo vệ cứ điểm Hồng Cúm ngày 29/4/1954, tuy nhiên Ratisbonne vẫn sống sót và chiến đấu cho đến ngày 7/5/1954 và bị tiểu đội tăng phá hủy khi Hồng Cúm thất thủ.
– Vị trí Ratisbonne hiện nằm trong Bảo tàng Đồi A1, trưng bày cạnh Auerstaedt và Posen. Ratisbonne rất dễ nhân diện vì mất hẳn nòng pháo, mắt nắp mặt nạ phía trước, hai hàng bánh xích hai bên cũng không còn.
Neumach (Trung đội Préaud)
Bị bazooka bắn trúng tháp pháo ở Ban Kho Lai ngày 31/3/1954 khi đang bảo vệ khu vực cứ điểm Hồng Cúm. Neumach chiến đấu cho đến ngày 7/5/1954 và bị tiểu đội tăng phá hủy khi Hồng Cúm thất thủ. Tương tự như Smolensk, Neumach được sửa chữa và trở thành chiến lợi phẩm của Việt Minh tham gia các cuộc diễu hành và một bộ phim tuyên truyền chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 22/5/1954 xuất hiện trong ảnh cưới của Cao Văn Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Toản.
– Neumach trước khi lên Điện Biên từng mang tên Antoine, có thể nhận diện nhờ hộp chắn xích to bản ở mặt bên. Vị trí của Neumach hiện nay không được xác định, có thể tháp pháo của nó nằm trong Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc cũng có thể nó đã bị hỏng hoàn toàn và nằm tại một trường huấn luyện quân sự nào đó. Neu
Nói thêm về Neumach và Smolensk
Với 8 chiếc M24 đã được các cựu binh xác định tung tích và vị trí, còn lại 2 chiếc trở thành chiến lợi phẩm của Việt Minh sau chiến dịch đó là Smolensk và Neumach. Cả hai đã được sửa chữa để tham gia cuộc diễu hành mừng chiến thắng trên cánh đồng Mường Phăng ngày 13/5/1954, Smolensk đi trước Neumach theo sau. Năm 1954 cả hai tham gia diễn xuất trong bộ phim tài liệu “Việt Nam” của đạo diễn Liên Xô Roman Karmen, cảnh quay tái hiện lại sự kiện nói trên. Sau đó Smolensk và Neumach được tháo ra đem về Hà Nội lắp ráp lại ở nhà máy ô tô Chiến Thắng để tham gia duyệt binh ngày 1/1/1955 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Như đã nói ở trên, riêng chiếc Smolensk còn xuất hiện trong tác phẩm tranh sơn dầu trên lụa của một họa sỹ Việt Minh là đại tá Lê Huy Toàn năm 1958 mô tả lại cảnh diễu hành trên cánh đồng Mường Thanh.
Smolensk và Neumach sau đó được chuyển cho trường huấn luyện bộ binh ở Sơn Tây để mổ xẻ nghiên cứu cách đánh xe tăng cho bộ binh. Sau này trong Bảo tàng HCM ở một tiểu cảnh có trưng bày một tháp pháo M24 không rõ là của Neumach hay Smolensk hay của một chiếc M24 nào khác.
Kết
Nếu chiến thắng của Việt Minh là một kỳ tích thì chắc chắn đối thủ của Việt Minh cũng không phải là những kẻ tầm thường. Xác của những chiếc tăng M24 này không phải là những điểm tham quan hấp dẫn dành cho khách du lịch, nhưng là chứng tích của những ngày tháng bom đạn khốc liệt ở Điện Biên, đồng thời cũng cho thấy một góc nhìn nhân bản hơn đối với những người lính Pháp và lê dương đã từng tham chiến tại Điện Biên.
ĐT