Menu

Cầu Trường Tiền vài bắc vài nam

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Vì thương nhau rồi xin kịp về mau.

CẦU TRƯỜNG TIỀN

Mình tình cờ nhìn thấy tấm ảnh một ai đó có thể là khách du lịch hay là người địa phương yêu Huế đưa một tấm ảnh cũ chụp trên cầu Trường Tiền lên ráp vào không gian của cây cầu hiện nay, tuy nhiên nếu các bạn để ý kỹ thì sẽ thấy người bạn yêu Huế này đã đứng ngược hướng với tấm ảnh trên tay.

Có thể nhìn ra điều này nhờ hai chi tiết:

– Thứ nhất: Các khung dầm thép (truss) dùng các thanh giằng chữ V (v-lacing) chỉ có ở 2 nhịp cầu phía Nam vốn là 2 nhịp nguyên nguyên bản từ lúc xây vào năm 1899 chưa từng bị đánh gẫy. Bốn nhịp phía Bắc bị phá hủy và sửa chữa nhiều lần, khung dầm thay thế cấu tạo với những thanh giằng thép to bản nằm ngang (battens). Theo đó tấm ảnh lớn được chụp khi người chụp đứng gần đầu cầu phía nam, tấm ảnh nhỏ trên tay là ảnh xưa người chụp đứng gần đầu cầu phía bắc.

– Thứ hai: Ở tấm hình lớn người bạn yêu Huế chụp, phía mép phải mình có thể thấy mái của chợ Đông Ba ở bờ Bắc sông Hương, như vậy bạn ấy đang đứng ở phía bờ nam. Còn tấm hình bạn ấy cầm trên tay thì ở mép trái có thế thấy tòa nhà màu trắng là tòa nhà của trường Đại học Sư phạm Huế xây từ thời Đệ nhất Cộng hòa trên khuôn viên xưa của Tòa Khâm, tức tòa Khâm sứ Trung Kỳ ở bờ Nam, vậy là người chụp đứng ở phía bờ bắc.

NHỮNG NHẦM LẪN HAY XẢY RA:

Phát hiện trên không có gì là quan trọng cả, chỉ là thú vị tí thôi vì nó cho thấy không phải ai cũng để ý các chi tiết của cây cầu Trường Tiền. Có vài sự nhầm lẫn thông thường về cầu Trường Tiền và sông Hương các bạn local guide cần lưu ý đừng thuyết minh sai:

– Cầu Trường Tiền không phải do Gustave Eiffel hay công ty của ông thiết kế và xây cất mà thắng thầu công trình này là công ty có tên Société Schneider et Cie et Letellier của hai vị Schneider và Letellier.

– Cầu Trường Tiền không phải là một kiến trúc Gothic như nhiều bài báo viết. Về gốc gác, đây là một kết cấu thép đinh tán (riveted steel, trong kiến trúc thì đây là kết cấu bền vững nhất chỉ xếp sau kết cấu dùng keo dán epoxy). Kết cấu này ra đời sau cuộc Cách mạng Công nghiệp ở Châu Âu, và là một tiến bộ vượt bậc về vật liệu với trọng lượng nhẹ, sức bền chịu kéo chịu nén vượt trội, khả năng tạo hình phong phú. Các công trình kết cấu thép ri-vê, đặc biệt là tháp Eiffel mở đầu cho nền kiến trúc hiện đại của thế giới. Ngoài ra vật liệu thép còn được ứng dụng mạnh mẽ trong trào lưu kiến trúc và nghệ thuật Art Nouveau khoảng cuối TK19 đầu TK20 và tiếp theo là ứng dụng rộng rãi trong phong cách kiến trúc Industrial.

Tuy nhiên cầu Trường Tiền không mang những đường cong phá cách của Art Nouveau, cũng không mang những đường nét và thành phần của nghệ thuật cổ điển Roman hay Gothic hay Baroque gì cả. Đó là một kiến trúc hiện đại thuộc trào lưu Industrial.

– Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp: Thực ra là cầu có 6 nhịp mỗi nhịp 2 vài (tức là 2 vì) ra tổng cộng là 12 vài, tuy nhiên tiếng Việt có lối đảo ngữ nói “sáu nhịp mười hai vài” nghe không thuận tai nên đảo lại thành “sáu vài mười hai nhịp”, tựa như nói “con ông cháu cha” cũng là đảo ngữ vậy.

– Sông Hương tả ngạn hữu ngạn ngược với các con sông khác. Thay vì đi xuôi dòng ra phía biển Thuận An như thông thường thì thì bên bờ Bắc là tả ngạn, bờ Nam là hữu ngạn, nhưng vì trong trào Nguyễn các vị vua sau đi hành lễ viếng lăng vua cha thì lại phải ngược dòng lên vùng đồi phía Tây thế nên phía bờ Bắc lại là hữu ngạn, bờ Nam lại là tả ngạn. Vì vậy thành Nội, làng Kim Long, chùa Thiên Mụ, Văn Thánh Miếu là thuộc Hữu ngạn, còn Tòa Khâm, trường nữ sinh Đồng Khánh, trường Quốc học là thuộc Tả ngạn.

XÂY DỰNG, TRÙNG TU VÀ TÊN GỌI:

Phần này mình chỉ bỏ thời gian ra tổng hợp nhiều nguồn tài liệu lại cho các bạn guide lỡ có cần thì có thêm nguồn tham khảo đối chiếu.

– Cầu Trường Tiền do Société Schneider et Cie et Letellier thiết kế và thi công hoàn thành năm 1899. Ban đầu gọi là cầu Thành Thái.

– Sau khi trận bão Giáp Thìn 1904 đánh văng 4 nhịp cầu phía Bắc, năm 1906 việc sửa chữa cầu được giao cho công ty Daydé et Pillé xây lại 4 nhịp. Có khả năng nhất là công ty này đã có điều chỉnh về vật liệu và kết cấu đối với 4 nhịp phía bắc.

– Ba chục năm sau cây cầu xuống cấp quá, chính phủ đương thời mới mời công ty của ông Gustave Eiffel Engineering sửa chữa trong hai năm 1937 – 1939. Trong khoảng thời gian đó vào năm 1919 cầu được đổi tên theo vị thủ tướng Pháp đương nhiệm Clémenceau. Đến tháng 3/1945, chính phủ ông Trần Trọng Kim theo tên chúa Tiên đổi tên cầu là Nguyễn Hoàng.

– Năm 1946 trong chiến dịch Toàn quốc kháng chiến, Việt Minh giật sập cả hai cây cầu qua sông Hương là cầu Trường Tiền lẫn cầu Dã Viên. Cầu Trường Tiền bị sập 3 nhịp cầu phía Bắc, ngay sau đó ba nhịp này được bắc cầu tạm không có các vì thép cong hai bên. Bảy năm sau tức 1953-1954 ba nhịp này mới được xây lại.

– Năm 1968 trong trận Mậu Thân, quân “Giải phóng” (tức NLF hoặc VC) lại đặt thuốc nổ đánh sập nhịp thứ 4 (tính từ bờ bắc) của cầu. Người cầm đầu nhóm đặc công đánh sập cầu là Hồ Thanh Tốp, người dân tộc Tà Ôi ở xã Hồng Thái, huyện miền núi A Lưới. Nhóm đặc công nay đã dùng xe kéo chở 10 quả bom từ kho đạn Tây Lộc đến gài vào nhịp số 4 cầu Trường Tiền. Tốp năm ấy 36 tuổi và cũng như những người Tà Ôi khác sống dọc vùng núi Tây Quảng Nam, Tốp được mang họ Hồ.

Sau khi tái chiếm Huế, VNCH cho đặt nhịp cầu phao tạm nối hai nửa cầu, rồi lại lập thêm một cầu phao quân đội riêng để dân qua sông. Đến tháng 8/1968 thì xây một nhịp cầu thép kiên cố ở giữa nối hai nửa lại rồi dẹp cầu phao.

– Sau khi hết chiến tranh thì cầu được gọi lại tên dân gian là cầu Trường Tiền theo tên bến đò cũ ở điểm đầu cầu phía bắc, cạnh xưởng đúc tiền của triều đình, sau gọi tránh húy ra là Tràng Tiền. Mãi đến năm 1991-1995 Bộ Xây dựng mới trùng tu lại cây cầu cho đủ sáu nhịp mười hai vì cong, tuy nhiên trên tờ 5 đồng phát thời ông Tố Hữu năm 1985 thì đã cho in hình cầu Trường Tiền với đủ nhịp giữa.

VÀI TỨ THƠ:

Cầu Trường Tiền xuất hiện trong văn thơ xứ Huế rất nhiều, dưới đây là vài tứ thơ hay, anh em guide nội địa có thể bỏ túi.

Dân gian:
Cầu Trường Tiền sáu vai mười hai nhịp
Em theo không kịp tội lắm em anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa cũng tại ông Trời nên xa.

Nguyễn Bính:
Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ
Đôi bờ đôi cánh tay vua
Cung nga úp mặt làm thơ thất tình…

Ca sĩ Duy Khánh “Ai ra xứ Huế”:
À ơi à ơi!
Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Vì thương nhau rồi xin kịp về mau
À ơi ơi à! Hò ơi!
Kẻo rồi mai tê bóng xế qua cầu
Thì bạn còn thương bạn chứ biết gởi sầu về nơi mô
À ơi ơi à!

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng “Chuyện một chiếc cầu đã gãy”:
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu.

ĐT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *