Menu

You’re Overbooked!

Sắp tới các đường bay dần dần mở lại trong bối cảnh các hãng đều đang gặp khó khăn, khả năng cung ứng chập chờn, hãng nào cũng phải toan tính làm sao để khai thác tối đa công suất (occupancy). Vậy sẽ có lại hay không tình trạng “overbook”?

Mình chả dám khẳng định điều gì, nhưng nhân cái ý nghĩ ấy mới kể lại câu chuyện một chuyến bay mà hai lần bị overbooked liên tiếp, dẫn đến một kỷ niệm hãn hữu là mình ngồi trong cockpit bay từ Đôn Mường về TSN. Quá liều, nhưng không phải là mình liều mà là VNA.

Năm ấy Vietnam Airlines vẫn đang dùng logo cũ.

DOUBLE OVERBOOKED

Thời đó VNA còn áp dụng chính sách “overselling”, ví dụ chuyến bay có 250 ghế thì họ bán 300 vé, đến lúc bay có 50 vé hoãn hủy thế là vừa vặn. Nhưng nhiều lúc chả có ai hủy cả nhất là vào mùa cao điểm, như vậy sẽ có 50 khách bị “overbooked” không có chỗ. Chỗ trên chuyến bay sẽ dành cho 250 khách nào mà có làm thao tác “reconfirm” vé trước chuyến bay và ra sân bay check in sớm nhất. Thế nên anh em guide outbound lẫn inbound ngày ấy không ai lạ gì chuyện “rì” vé cho các đoàn, tức “reconfirm”.

Chuyến ấy mình dắt một đoàn đi Bangkok – Pattaya 5 ngày, đi ngày 27/1/2001 và về theo lịch là ngày 31/1/2001 tức đi mùng 4 về mùng 8 tết Tân Tỵ. Đoàn này đi ngày như thế rất đẹp vì ngày kế tiếp mùng 9 tết là ngày Hoàng đạo, tiểu thương khai trương ngày ấy là buôn may bán đắt cả năm.

Ngày cuối 31/1 sau khi đi siêu thị Robinson đoàn ra sân bay Đôn Mường, mặc dù đã dự trù thời gian ra sớm nhưng tới nơi mới nghe VNA thông báo đoàn bị overbooked và 11 người sẽ phải ở lại bay chuyến ngày mai, đoàn tự thương lượng xem ai sẽ về ai sẽ ở.

Sân bay lúc ấy đặc nghẹt người. Các gia đình nhìn nhau, ai cũng cần phải về, vì họ đều là tiểu thương việc khai trương ngày Hoàng đạo họ đều đã chuẩn bị trước khi đi tour rồi. Lại còn mấy bé cũng phải về để nhập học. Không gia đình nào giành quyền về trước nhưng cũng không ai có thể nhường ai được, thế nên cả đoàn thống nhất là rút thăm.

Mình xé tờ giấy A4 làm thăm cho mọi người rút, trong đó có 10 lá thăm đánh chữ thập. Kết quả là 10 người trúng lá thăm ở lại rải ra cho các nhóm gia đình trong đó có mấy nhóm 5-6 người chỉ toàn phụ nữ là bà nội bà ngoại mẹ dì và mấy em bé, lúc này chả biết tính sao, bắt đầu có tiếng thút thít của các chị các bà. Lúc ấy mấy anh chị đi có đôi có cặp thấy tội quá nên chấp nhận ở lại nhường chỗ cho các gia đình có em bé về trước cho trọn vẹn.

Trong số các anh chị xung phong ở lại mình nhớ nhất là chị Định là chủ quán bò tùng xẻo Lương Sơn Quán ở 31 Lý Tự Trọng, và anh Khanh là Việt kiều Mỹ. Chị Định thì nhỏ nhắn có tác phong của người phụ nữ hiện đại từng trải, còn anh Khanh thì hiền lành xởi lởi dễ thương.

Sau khi tiễn những người về trước nhóm 11 người ở lại làm chút thủ tục, nhận 100 USD rồi theo xe của hãng về khách sạn transit gần sát sân bay Đôn Mường.

Tối ấy “rủng rỉnh” tiền lót túi, mọi người bèn rủ nhau bắt taxi đi vào trung tâm nhậu và xem vũ sexy. Cả nhóm đến Pat Pong dạo một vòng khúc kha khúc khích rồi ghé vào một tiệm “a-go-go”. Chỗ ấy diễn các trò xác thịt phải nói là hết cỡ thợ mộc, nào là mặt nạ, roi da, xích đu v.v. ôi thôi đủ kiểu.

Đến một lúc, họ bắc cái ghế và mời một khán giả lên “giao lưu”. Mèn đét. Trước sự ngạc nhiên của cả nhóm, ông anh Việt kiều hiền lành giơ tay ngay lập tức và leo tọt lên sân khấu. Tiết mục giao lưu bắt đầu, ấy là một vũ điệu thoát y trong nền nhạc cực kỳ kích động, ông anh nhiệt tình cởi sạch các món trên người cho đến khi chỉ còn độc chiếc quần lót. Đến đây mình cũng thấy hồi hộp quá, không biết cái vụ này nó đi tới đâu, làm tới chắc ói. May quá, hết nhạc, tiết mục kết thúc, ông anh mặc lại đồ rồi về lại chỗ cầm chai nước ngọt tu ực ực khoái chí, ổng hiền nên không biết uống bia.

Sáng hôm sau nhóm 11 người ra sân bay trước giờ bay 3 tiếng, ai cũng mải vui nhắc chuyện tối qua, mình thì tâm trạng cũng khá thoải mái vì sắp được bay. Ai dè, đến lúc check in lại được thông báo là chỉ có 9 chỗ thôi, 2 người phải ở lại. Đến đây thi nổi quạo thiệt sự rồi, chính mắt mình thấy nhân viên quầy check in (người Thái) cho mấy người nước ngoài đi lẻ đến sau được check in trước cả nhóm mình, trong khi đoàn mình đã overbook hôm qua rồi thì hôm nay sẽ mình sẽ phải được ưu tiên reserve chỗ ở đầu danh sách chứ.

Sau trận cãi nhau kịch liệt, cuối cùng ông trưởng đại diện VNA ở Đôn Mường (tên là ông Truyền, người Việt) mới ra nói nhỏ, rằng bây giờ muốn về hết thì chỉ còn 2 chỗ trong buồng lái sau lưng phi công, tuy nhiên nếu ngồi đó sẽ không được dọn bữa ăn. Mình nghe vậy là ok ngay mà lại còn thấy thích thích nữa. Cả nhóm thì không ai muốn ngồi buồng lái, trừ chị Định, vậy là hai chị em đứng ở đầu cầu thang phía trên ngoài cửa chiếc A320 để đợi, khi khách ổn định hết, cô tiếp viên kéo hai tấm màn che lại thì hai chị em được dẫn vào trong buồng lái được chỉ cho ngồi vào hai chiếc ghế sau lưng hai anh phi công, chị Định ngồi ghế bên phải, mình ngồi ghế bên trái.

TRONG COCKPIT

Hóa ra nghề phi công là nghề chuyên gạt cần và vặn nút. Má ơi, cái cockpit nó cơ man là nút và công tắc và đồng hồ, trước mặt phi công, bên hông phi công, trên trần, dưới chân v.v. Cái ghế mình ngồi có cái seat belt nó cũng khác, nó có 3 cái đầu khóa cắm vào cái núm tròn nằm ngay rốn, hai khóa hai bên kéo căng hai sợi dây quàng vai và hông lại thêm một sợi từ dưới háng trổ lên, tổng cộng là 3 khóa và 5 sợi. Chỉ cần xoay cái núm tròn là 3 đầu khóa ấy bung ra đồng loạt.

Anh cơ trường người Bắc, anh tóm tắt sơ lược các quy tắc phải tuân thủ khi ngồi trong buồng lái khi bay. Rồi bảo mình: “Hai chị em cứ yên tâm, ngồi đây là nhất rồi, trong máy bay không chỗ nào an toàn bằng chỗ này, khi nào anh bảo… nhảy ra thì chú mày cứ nhảy là được”. Mô Phật, các anh thật chu đáo!

Take off xong chuyển sang cruising thì hai anh lấy cà phê 3 in 1 uống trong ly nhựa và nói các câu chuyện phiếm chen vào các thao tác điều khiển đã thành quán tính, kiêm luôn việc hướng dẫn viên chỉ cho hai chị em biết những nơi máy bay đang bay qua. Hôm đó trời trong nên nhìn dòng Mekong khá rõ. Các anh chấm dứt chuyện phiếm và tập trung trở lại khi chuẩn bị landing.

Chuyến bay đáng nhớ ấy của mình cuối cùng đã đáp nhẹ nhàng xuống sân bay TSN, chị Định và mình cả hai đều rất vui, nhất là vì anh cơ trưởng đã không nói hai chữ “nhảy ra”. Từ sau chuyến đó tới giờ đã 20 năm, mình chưa có dịp nào gặp lại chị Định không biết chị sống ở Việt Nam hay ra nước ngoài, hy vọng chị mạnh giỏi.

Về sau mình đem chuyện này kể lại cho cậu bạn thân thời trung học ở Thủ Đức lúc ấy đang là kỹ sư sửa chữa máy bay của một hãng hàng không của Taiwan. Cậu ấy mới cho biết chuyện ấy như thế là quá liều, vi phạm nghiêm trọng qui tắc an ninh an toàn hàng không, hành khách mà biết được thì to chuyện. Mình nghĩ lại thì thấy chuyện ấy đúng là kinh thật, bản thân thì mới chân ướt chân ráo vào nghề cũng còn non nớt, thấy vui thì ngồi thôi, nhưng còn hãng xử lý thế thì đúng là chưa thoát được thời mông muội. Nay chuyện ấy qua lâu rồi, cũng chả có dấu tích chứng cứ gì, nên mình kể lại cũng chả sao.

Về sau này theo gót các hãng hàng không tiên tiến khác, VNA cũng không yêu cầu khách phải “rì” vé nữa, nhưng việc “overbook” còn hay không thì khó có thể nói chắc. Thế nên vào mùa cao điểm anh em TL vẫn cứ nên hẹn khách ra sân bay sớm hơn thường lệ một chút cho chắc ăn, còn với các chuyến có check-in online được thì nên canh giờ để làm online sớm nhất có thể. First come first served, đó là qui tắc xử lý của hãng trong trường hợp overbooked.

Dài dòng vì nhớ lại một kỷ niệm đặc biệt, nhưng cũng có phần “overbook” muốn chia sẻ với các anh em TL trẻ biết đâu hữu ích trong giai đoạn hồi phục này.

P/S:

– Hình 1: Mình còn mặc chiếc áo sơ mi hiệu Esprit giá 199 baht mua ở MBK, hồi ấy 1 USD ăn 40 baht, nhưng chỉ ăn 11,500 VNĐ, tiền Việt mình lúc ấy còn có giá.
– Hình 2: Dấu in và out của chuyến đi ấy.
– Hình 3: Cậu bạn thân là kỹ sư máy bay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *