Menu

Tháp Bánh Ít

Với những gì còn lại tới ngày nay, cụm tháp Bánh Ít có thể nói là cụm tháp độc lập có nhiều thứ nhất để tìm hiểu về kiến trúc Champa. Tháp Bánh Ít được giới chuyên môn xếp vào phong cách chuyển tiếp, từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định. Vậy chuyển tiếp cụ thể là ở chỗ nào?

Cả cụm tháp có 4 ngôi tháp tất cả đều có mặt chính day về hướng Đông. Tháp chính là ngôi tháp quan trọng nhất, có nhiều chi tiết nhất. Ta sẽ lần lượt đi vào các chi tiết của từng ngôi tháp.

Đi từ dưới chân đồi lên sẽ qua Tháp Cổng trước.

Các ghi chú cho Tháp Cổng:
1. Vòm cửa hình (arcature) hình mũi lao, đây là đặc trưng của giai đoạn Bình Định. Còn trước đó, giai đoạn Mỹ Sơn A1 vòm cửa có hình cái chuông (sẽ thấy sau). Lưu ý: mũi lao là phía dưới hai bên phình ra, nhưng dưới phải cong cong ốp ốp vào mới đúng hình mũi lao. Qua giai đoạn Muộn kế tiếp sau Bình Định thì vòm cửa mất đặc trưng uốn cong vào này.
2. Chi tiết trang trí chân trụ ốp cũng chính là hình vòm cửa mũi lao thu nhỏ, đặc trưng giai đoạn Bình Định.
3. Các lá nhĩ trên mái cũng là hình vòm cửa mũi lao thu nhỏ, đặc trưng giai đoạn Bình Định.
4. Bề mặt tháp có 5 trụ ốp (pilaster), các trụ ốp ấy vẫn có rãnh dọc chạy giữa là đặc trưng của Mỹ Sơn A1, nhưng mặt trụ ốp lại không có hoa văn trang trí, đó là đặc trưng của Bình Định.
6. Dải trang trí diềm mái (frieze) của ngôi tháp cổng này không có hoa văn trang trí, đây là đặc điểm Bình Định. Thời Mỹ Sơn A1, dải này trang trí rất cầu kỳ, nay còn thấy ở tháp Khương Mỹ.

Trên đỉnh đồi là Tháp Chính:


1. Cửa có 2 lớp vòm chồng lên nhau, vòm dưới hình mũi lao của Bình Định, vòm trên chỉ còn dấu tích nhưng thấy rõ hình chuông của Mỹ Sơn A1.
2. Các lá nhĩ trang trí chân trụ ốp, có hình mũi lao là đặc điểm Bình Định. Lưu ý các lá nhĩ này thuộc phần chân tường (socle), còn phần dưới đế (plinth) thì được trang trí riêng: có khi là cũng là lá nhĩ, có khi là trụ, có khi là các con yaksha.
3. Các lá nhĩ trên mái cũng có hình mũi lao, là đặc điểm Bình Định.
4. Trụ ốp có rãnh chạy dọc, là đặc điểm Mỹ Sơn A1, nhưng lại không chạy lên dải frieze như Mỹ Sơn A1. Mặt trụ ốp không có trang trí hoa văn, đây là đặc điểm Bình Định.
5. Giữa 2 cột ốp trang trí bằng băng gạch nổi dài chạy dọc, đây là đặc điểm Bình Định.
6. Dải trang trí diềm mái frieze vẫn nằm dưới diềm mái và vẫn có hoa văn, đây là đặc điểm của Mỹ Sơn A1, khi qua giai đoạn Bình Định sẽ không còn hoa văn nữa. Tuy nhiên ở đây dải hoa văn này lại làm bằng sa thạch là đặc điểm Bình Định, giai đoạn Mỹ Sơn chưa dùng sa thạch ở đây.
7. Các tháp góc là hình ảnh lặp lại của mái tòa tháp lớn, đây là đặc điểm Bình Định. Thời Mỹ Sơn A1, tháp góc này là hình ảnh thu nhỏ của nguyên cái tháp lớn.

Nhìn gần tháp chính:


1. Mặt trụ ốp không hoa văn, đặc điểm Bình Định.
2. Rãnh giữa trụ ốp: đặc điểm Mỹ Sơn A1.
3. Băng gạch nổi giữa hai trụ ốp, đặc điểm Bình Định.
4. Dải hoa văn sa thạch, mà hoa văn ở đây là những núm tròn, tức hình núm vú, là hoa văn Bình Định.
5. Bề mặt diềm mái (fascia) ở đây không có hoa văn tương tự như Mỹ Sơn A1, nhưng qua giai đoạn Bình Định sẽ được trang trí bằng hoa văn sa thạch.

Phía nam của Tháp Chính là Tháp Lửa:

1. Vòm cửa hình chuông úp đặc trưng của Mỹ Sơn A1.
2. Dấu tích vòm cửa hình mũi lao của giai đoạn Bình Định.
3. Lá nhĩ trang trí chân trụ ốp có hình mũi lao của Bình Định.
4. Dãy yaksha chống đỡ phần dưới đế tháp (plinth), ảnh hưởng mỹ thuật Java thịnh hành thời Mỹ Sơn A1.
5. Trụ ốp có rãnh dọc của Mỹ Sơn A1, nhưng không có hoa văn là kiểu Bình Định.
6. Mảng tường giữa hai trụ ốp được trang trí hoa văn là theo kiểu Mỹ Sơn A1, tuy nhiên nhìn gần thì hoa văn đã biến đổi (xem sau).
7. Dải hoa văn frieze điêu khắc trên gạch kiểu Mỹ Sơn A1, tuy nhiên hoa văn cũng có khác đi.
8. Dải hoa văn frieze ở tầng trên cũng tương tự.

Nhìn gần hoa văn Tháp Lửa:


– Hình bên trái: là hoa văn kiểu Mỹ Sơn A1 tìm thấy trên tháp Khương Mỹ, trái là dải dọc hình hoa dây cuộn (foliate rinceau), phải là dải hoa trong hình thoi (foliate lozenge).
– Hình bên phải: hoa văn trên thân Tháp Lửa cụm Bánh Ít, dải hoa văn xoắn (guilloche) này biến tấu từ giải hình thoi của Khương Mỹ. Ngoài cụm Bánh Ít, các tháp sau không còn hoa văn thân tháp nữa.

Cận cảnh:


1. Vòm cửa hình chuông của Mỹ Sơn A1.
2. Hoa văn trên thân Tháp Lửa kiểu Mỹ Sơn A1, nhưng bản thân hoa văn guilloche này thì khác với rinceaux của Mỹ Sơn A1.
3. Trang trí trên dải frieze: xen kẽ hình tràng hoa đơn giản và hình mặt kala theo phong cách Bình Định, thời Mỹ Sơn A1 điêu khắc tràng hoa này phức tạp hơn rất nhiều. 

Cuối cùng là Tháp Bia:


1. Vòm cửa mũi lao của Bình Định.
2. Lá nhĩ trang trí phần đế dưới (plinth) cũng mũi lao.
3. Lá nhĩ trang trí chân trụ ốp thuộc phần chân tường (socle) cũng kiểu mũi lao của Bình Định. Nghệ nhân người Chăm xưa đã chia ra hai phần và đưa đường nét mỹ thuật vào từng phần.
4. Tháp này có đến 7 trụ ốp, thời Mỹ Sơn A1 luôn chỉ có 5. Trụ đã mất rãnh dọc chia đôi cột, là đã qua hẳn kiểu Bình Định. Mặt trụ cũng không có hoa văn.
5. Băng gạch nổi giữa các trụ ốp, là kiểu Bình Định.
6. Dải hoa văn frieze dưới diềm mái cũng không trở thành trơn, kiểu Bình Định.
7. Các tháp góc là hình cách điệu và thu nhỏ của mái tháp lớn, kiểu Bình Định. 

Theo tin các báo đưa, dự án trùng tu cải tạo trị giá gần 26 tỷ, đến nay đã thi công sai hồ sơ thẩm định, dùng máy móc cơ giới ào ạt, chân tháp cổng (gorupa) đã có vết nứt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *