Tác phẩm để đời với lối kết hợp bích họa ở phông nền với sa bàn (diorama) ở phía trước. Thông tin phổ biến cho biết đây là bức bích họa sơn dầu 360 độ chu vi 132m, cao 20,5m, đường kính 42m, tổng diện tích là 3.225m², tổng cộng 4500 nhân vật do 20 họa sĩ vẽ suốt 750 ngày mới xong. Để xem và hiểu thì cần nắm rõ 4 trường đoạn.
Trường đoạn 1 – “Toàn dân ra trận”
Là cả mảng tường nằm về phía bắc của gian nhà. Trường đoạn này thể hiện giai đoạn chuẩn bị cho chiến dịch trước ngày 13/3. Hình vẽ liên hoàn gồm các đoàn dân công tiếp tế, các đoàn xe tiếp tế, các đoàn bộ đội kéo pháo.
Trường đoạn 2 – “Khúc dạo đầu hoành tráng”
Là mảng tường phía tây tức từ trường đoạn 1 đi ngược chiều kim đồng hồ. Trường đoạn này mô tả ĐỢT TẤN CÔNG THỨ NHẤT (13/3-17/3) với hai trận đánh mở màn thắng lợi chớp nhoáng ở hai cụm cứ điểm phía bắc là Him Lam (Beatrice) và Độc Lập (Gabriel). Đoạn hình ảnh đại diện nhất là cột khói bốc lên từ chiếc máy bay bị cao xạ bắn rơi, trận địa pháo của Pháp bị pháo Việt Minh bắn tan nát.
Trường đoạn 3 – “Cuộc đối đầu lịch sử”
Mảng tường phía đông, tức từ trường đoạn 1 đi xuôi kim đồng hồ. Trường đoạn này mô tả ĐỢT TẤN CÔNG THỨ HAI (30/3-30/4) với các hình ảnh:
– Các trận đánh từ 30/3-5/4 tấn công các cụm cứ điểm Dominique và Eliance trấn giữ phía đông hầm chỉ huy, và cụm Huguette ở phía tây hầm chỉ huy. Các trận đánh giằng co ác liệt nhưng bế tắc (giai đoạn này thiệt hại của Việt Minh là đáng kể).
– Giai đoạn thay đổi chiến thuật sang đào hào áp sát (trench warfare) từ 15/4-30/4 mô tả cuộc chiến và sinh hoạt trong hầm hào.
Trường đoạn 4 – “Chiến thắng Điện Biên”
Là mảng tường phía Nam đối diện với trường đoạn 1. Trường đoạn này mô tả ĐỢT TẤN CÔNG THỨ BA (1/5 – 7/5) bắt đầu là hình ảnh vụ nổ chói lòa của 1 tấn bộc phá ở đồi A1 loại bỏ cụm cứ điểm phía đông, tiếp đến hình ảnh bộ đội Việt Minh tràn qua cầu Mường Thanh (Bailey bridge) và tiếp diễn đến hình ảnh De Casteries đầu hàng trước cửa hầm chỉ huy.
Giá trị mỹ thuật của bức “Panorama Điện Biên Phủ”
Điều đáng công nhận là các họa sĩ 500 ngày phác thảo đã dày công nghiên cứu lịch sử và các chi tiết của chiến dịch và rất sáng tạo khi xây dựng bố cục đan xen nhưng mạch lạc. Tương tự, các họa sĩ 750 ngày thực hiện đã cho thấy tay nghề rất tinh xảo của mình trong việc sử dụng chất liệu, màu sắc, và thể hiện các chi tiết, sự biểu cảm trên từng gương mặt, sự khốc liệt của bom đạn v.v.
Tôi đưa một chi tiết làm ví dụ, đó là hình ảnh cô Geneviève de Galard nữ y tá người Pháp duy nhất của chiến trường, người được phía Pháp mệnh danh là “Thiên thần Điện Biên Phủ”.